Đại gia đình Năm Cam run rẩy
Tuổi thơ nghèo khổ, vào đời trên đất dữ, nếm trãi đủ cay đắng trên đường đời, nuôi chí lớn trở thành ông trùm rồi thu tóm quyền lực thế giới ngầm trong tay. Chặng đường đời của Năm Cam được ví như năm bản nhạc có đủ những nốt thăng trầm trong bài ca trường đời của mình, y chọn nốt “đô và la” để tạo thế lực bất khả xâm phạm cho bản thân y và gia đình. Vàng và đôla đã trải lối cho y rời trại cải tạo trước thời hạn, giúp Năm Cam nhấn chìm thành công vụ án Phan Lê Sơn để đưa vào bóng tối. Nhưng lần này, Năm Cam gặp khắc tinh là tướng Tư Bốn, y hoàn toàn bất lực khi định dùng tiền mua chuộc.
Không khí trong nhà Năm Cam như có tang từ khi Hải “bánh” và Hải “bén” bị bắt, cùng với đó từ lời khai của 2 đối tượng này, lực lượng của Ban chuyên an tiếp tục ráo riết bóc gỡ triệt để thế giới ngầm của Năm Cam và đồng bọn. Mọi người trong nhà Năm Cam đều giống như những người máy không biết nói, đi lại chậm chạp, nặng nề, người nào cũng bâng quơ suy diễn đến cơn đại hạn sắp xảy ra. Năm Cam hoàn toàn bị bế tắc. Trốn ra nước ngoài - y có nghĩ đến, nhưng ra đi vào lúc này sẽ không tránh khỏi bị sa lưới. Dáng phong lưu của ông trùm chợt rũ xuống như thân cây thiếu nước. Phong cách ăn to nói lớn thường ngày thay bằng âm thanh khàn đục, đứt khúc. Năm Cam cảm thấy trong người nực nội khó chịu. Dù đã tháng Chạp nhưng thời tiết nắng nóng gay gắt, chưa có dấu hiệu nào báo thời tiết lập đông. Năm Cam lấy xe đến nhà hàng máy lạnh. Không như mọi khi, hôm nay Năm Cam rất buồn. Mặt đăm chiêu, lòng nóng như có lửa đốt.
Người nhận lấy nhiều nhất hậu quả cuộc thay đổi tâm lý của toàn gia đình là Trúc “mẫu hậu”. Y thị bị khủng hoảng tinh thần không thua chồng. Đối với Trúc “mẫu hậu”, trong những ngày này không có việc gì, không có con người nào quan trọng bằng sinh mạng chồng con của mình. Tất cả mọi tội lỗi y thị đã đồng lõa cùng chồng để tạo ra sự nghiệp to tát như ngày nay đều trở thành vô nghĩa nếu cả gia đình không thoát qua được cơn đại nạn. Căn biệt thự trên đường Trương Định rộng thênh thang, Năm Cam ngồi trong phòng như một pho tượng đá bởi cái nhìn thất thần, thân xác trơ trơ. Trước cái chết của Dung Hà, căn phòng khách rộng mấy chục thước vuông luôn nhộn nhịp, khách tấp nập ra vào, tiếng cười, tiếng nói âm ỉ, giờ vắng lặng, mênh mông như cánh đồng không có sự sống. Trước tình thế này, Năm Cam chợt thấy ân hận vì không lo cho Hải “bánh”, Hưng “phi nhon”, Trường “xoăn” trốn ra nước ngoài như y đã hứa với chúng. Ngồi chờ điều gì tới sẽ tới thì như người bị treo trên đống lửa. Điên tiết vì căm hận, Năm Cam không ngờ có lúc con người nhiều tiền của, thế lực như y lại phải ngồi ủ rũ trước con người khắc tinh của y là Tư Bốn.
Hải "bánh"
Bí mật đến phút chót
Ban chuyên án họp sơ kết giai đoạn 1, báo cáo khai thác qua các đầu mối quan hệ của Năm Cam, Cục Cảnh sát Hình sự đã thống kê được toàn bộ các mối quan hệ của nhóm đối tượng đàn em Năm Cam. Từ danh sách này lập sơ đồ nơi chúng cư ngụ và đặc điểm nhận dạng, thói quen sinh hoạt, tụ tập của từng tên một đang sống tại TP.Hồ Chí Minh, sau đó bàn giao một số đối tượng trọng tâm cho các nghiệp vụ chuyên trách để tránh bị chúng phát hiện. Mặt khác, trinh sát hình sự âm thầm thâm nhập sâu vào sân chơi cờ bạc của Năm Cam và đồng bọn tại quận 4 và quận 8 để thu thập chứng cứ làm cơ sở đấu tranh với chúng.
Ban chỉ đạo chuyên án Z5-01 quyết định bắt Năm Cam và những tên trợ thủ đắc lực nhất của y. Các văn bản quan trọng của kế hoạch bắt Năm Cam không đánh vi tính, đích thân Thiếu tướng Việt Thành viết bằng tay để giữ bí mật tuyệt đối. Là cao thủ trấn áp tội phạm hình sự, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành cho chuyển hết các đối tượng liên quan đến vụ án Dung Hà xuống trại giam của Công an tỉnh Tiền Giang để khai thác. Ở đây, chính Hải “bánh” khai Năm Cam là kẻ chủ mưu giết Dung Hà. Trước “giờ G”, cảnh sát cơ động của Bộ Công an được đều xuống Tiền Giang để ngăn chặn giải thoát Năm Cam nếu có xảy ra.
Băng xã hội đen do Năm Cam cầm đầu có mạng lưới chằng chịt như vòi bạch tuộc, các lãnh đạo chủ chốt trong Ban chuyên án khi cần trao đổi, bàn bạc đều gặp mặt trực tiếp để tránh bị lộ tin tức. Nếu không có điều kiện cũng hạn chế trao đổi qua điện thoại mà dùng thư viết tay, chứ không đánh máy, để đảm bảo bí mật tuyệt đối. Bí mật được đặt lên hàng đầu, đó là một trong những yếu tố góp phần cho sự thắng lợi trọn vẹn. Bí mật đối với từng thành viên, từng lực lượng tham gia vây bắt, khám xét, ai biết việc nấy. Thậm chí giờ xuất trận, cũng như địa điểm “đánh” cũng chỉ được phổ biến với cấp chỉ huy trước lúc lên xe. Lực lượng bảo vệ cơ động được bí mật điều từ miền Tây lên. Mỗi người tự mang vũ khí, 14 kg gạo đủ ăn trong 1 tháng và áo lạnh, áo giáp chống đạn lên Tây Nguyên làm nhiệm vụ.
Di chuyển ban đêm, được ém quân ngay giữa trung tâm TP.Hồ Chí Minh tại trụ sở Bộ Công an phía Nam nhưng ai cũng ngỡ là Thị xã Đắk Lắk vì lệnh giới nghiêm 24/24 trong doanh trại. Mọi liên lạc với người thân, gia đình, bạn bè đều phải tạm “ngoài vùng phủ sóng”. Ngay cả khi vào khám xét nhà ở, các cơ sở kinh tài của Năm Cam và đồng bọn, ai ở vị trí nào ở chỗ đó.
Để đề phòng tất cả những tình huống có thể xảy ra, lực lượng cảnh sát cơ động chuẩn bị cả kìm cộng lực cắt khoá để đề phòng đàn em Năm Cam đóng cửa chống cự, phương tiện đột nhập từ trên lầu cao và thuốc nổ để phá cửa. Riêng việc ém quân không lộ ra là cả một vấn đề phải tính toán, rồi cũng phải tính đến việc phạm nhân tìm cách thông cung. Vấn đề này được tướng Tư Bốn nghiêm ngặt đặt ra từ nhiều hướng, không để phạm nhân giam giữ cùng trại thông cung với nhau. Còn chuyện thông cung từ bên ngoài theo đường tiếp tế, thăm nuôi liên quan đến các họat động của Năm Cam, ông cũng chỉ đạo có phương án kiểm tra chặt chẽ trước “giờ G”. Ông nhắc nhở bộ phận giam giữ hết sức đề phòng phạm nhân tự tử, giết người để diệt khẩu.
Một kế hoạch chi tiết và tỉ mỉ được vạch ra như vậy nhưng hoàn toàn bí mật đến “giờ G”, chỉ đợi lệnh người chỉ huy tất cả các mũi sẽ đồng loạt tiến công, tiêu diệu tận gốc băng nhóm do Năm Cam cầm đầu...
Còn nữa...