Dân Việt

Đà Nẵng cho vay tới 10 tỷ đồng/dự án nông nghiệp công nghệ cao

Kim Oanh - Đoàn Hồng 16/04/2018 18:40 GMT+7
Đó là hướng đi của ngành nông nghiệp Đà Nẵng trong những năm tới nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa quy mô lớn, sạch, gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nâng cao đời sống người dân.

Hiệu quả từ những mô hình

Đang có cơ ngơi ổn định tại Đà Lạt, nhưng ông Nguyễn Thắng (trú ở Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã quyết định về quê hợp tác với người dân địa phương đầu tư tiền tỷ cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xây dựng hệ thống nhà kính, máy móc, thiết bị sản xuất để trồng rau công nghệ cao tại 2 xã Hòa Phú và Hòa Ninh.

Từ tháng 6.2017, ông Thắng bắt đầu sản xuất vụ rau đầu tiên. Sau khi hoàn thiện và đưa vào sản xuất, ông Thắng thành lập HTX rau, hoa, củ, quả Hòa Vang và đã được chứng nhận phù hợp với VietGAP. Để trồng vườn rau, hoa, củ, quả chất lượng cao, nguồn nước tưới được ông Thắng lấy nước tại Hòa Ninh và đưa lên Đà Lạt kiểm nghiệm đạt chất lượng tốt.

img

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau đã mang lại hiệu quả kinh tế
cho bà con nông dân Đà Nẵng.  ảnh: Kim Oanh

Trong vườn ông trồng các loại rau, củ, quả xanh tốt như dưa leo, dưa lưới, rau cải, ớt Nhật, ớt chuông Đà Lạt, cùng vườn thủy canh gồm xà lách mở, lô lô xanh, rau men, xà lách tím, ốc lít... Hiện tại, vườn rau đang cho thu hoạch liên tục, cung cấp một lượng lớn rau, quả ra thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế.

Cùng với mô hình ông Thắng, mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cũng đã hình thành, đi vào sản xuất và đang cung cấp một lượng nông sản sạch đến tay người tiêu dùng. Với diện tích rộng hơn 5ha, cơ sở sản xuất rau an toàn Tâm An Farm đang trồng các loại rau quả như bầu, bí, dưa leo, khổ qua, cà tím, rau muống, cải, dền… mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả các loại với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng; đồng thời, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Cùng với đó là một số vùng chuyên canh rau an toàn tại Hòa Vang như Túy Loan, La Hường, Hòa Tiến… cũng đang cung cấp một lượng lớn nông sản sạch đến người tiêu dùng.

Kêu gọi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Được biết, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch 7 vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gồm: Vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh (35ha), xã Hòa Phú (22ha), xã Hòa Phong (20ha); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Hòa Bắc (320ha), xã Hòa Khương (30ha); khu trồng cây dược liệu tại xã Hòa Phú (3ha); khu sản xuất nấm thương phẩm và dược liệu tại phường Hòa Quý (1ha)… 

Ông Nguyễn Đức Tân - Chủ tịch Hội ND xã Hòa Ninh cho biết, mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn xã đang đem lại hiệu quả kinh tế.

“Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi mô hình không phải dễ dàng, đòi hỏi người đầu tư phải có điều kiện kinh tế. Hiện địa phương đang tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm dự án mô hình rau công nghệ cao với kinh phí 3 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 50%... Bên cạnh đó, địa phương cũng đang quy hoạch 5ha trồng rau, quả công nghệ cao. Tương lai, xã Hòa Ninh sẽ là trung tâm của rau và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. …”- ông Tân nói thêm.

Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng cho biết, hàng năm Đà Nẵng nhập từ các tỉnh khoảng 75.000 tấn trái cây, 55.000 tấn rau các loại, 35.000 tấn thịt gia súc gia cầm, thủy sản nuôi khoảng 10.000 tấn. Đối với Đà Nẵng, với lợi thế là đô thị trung tâm khu vực, là thành phố du lịch nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, an toàn, chất lượng cao ngày càng lớn.

Để từng bước kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, Đà Nẵng đã hợp tác triển khai chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, trái cây, thịt an toàn cho thành phố với 5 tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Định.

“Cùng với đó, Đà Nẵng cũng đang kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch với nhiều chính sách ưu đãi hình thành vùng chuyên canh rau, nông sản sạch… Đặc biệt, doanh nghiệp khi đầu tư sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu); hỗ trợ xây dựng, trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 50%; hỗ trợ 100% lãi suất vay đầu tư trong 3 năm với mức vay tối đa 10 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất...” -  ông Ban cho biết thêm.