Dân Việt

Nhập khẩu gỗ từ châu Phi: Tiềm ẩn rủi ro vì nhập nhằng tên gọi

Anh Thơ 18/04/2018 18:30 GMT+7
Dù châu Phi đang trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam với lượng gỗ nhập về tiếp tục tăng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc nhập khẩu (NK) gỗ từ thị trường này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, nhất là sự nhập nhằng về tên gọi khác nhau của cùng một loài có thể ảnh hưởng đến quá trình truy xuất nguồn gốc.

Nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ chiếm lượng lớn

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, châu Phi đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, lượng cung từ các quốc gia trong khu vực này đã lên tới trên 1,3 triệu m3, chiếm 25% tổng lượng gỗ nguyên liệu tròn và xẻ NK vào Việt Nam trong năm.

img

Năm 2017, Việt Nam NK khoảng 145 loài gỗ tròn và 110 loài gỗ xẻ từ châu Phi. Ảnh minh họa

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, các quốc gia có lượng cung lớn nhất cho Việt Nam bao gồm: Cameroon, Ghana, Guinea Xích đạo, Angola, Congo và một vài quốc gia khác. Số lượng các loài gỗ NK vào Việt Nam đa dạng, riêng năm 2017, Việt Nam NK khoảng 145 loài gỗ tròn và 110 loài gỗ xẻ từ châu Phi, chủ yếu được đưa vào các làng nghề gỗ truyền thống, phục vụ thị trường nội địa.

Theo các chuyên gia, việc NK gỗ từ châu Phi đang tiềm ẩn những rủi ro về pháp lý. Theo đó, tại Việt Nam đang có sự lộn xộn về tên gọi của các loài gỗ NK từ châu lục này, thậm chí cùng một loài nhưng có cả chục tên gọi khác nhau. Các nhà NK, cơ sở chế biến tại các làng nghề đang sử dụng tên các loài gỗ của Việt Nam để đặt cho một số loài gỗ NK từ châu Phi, dẫn đến sự nhầm lẫn.

Ví dụ, trong tờ khai hải quan, gỗ nhập khẩu tên tiếng Việt được khai là “gỗ cẩm”, trong khi tên khoa học trong tờ khai này lại được mô tả bằng 11 tên khác nhau. Tương tự như vậy, “gỗ hương” có tới 15 tên khoa học, “gỗ lim” có 14 tên khoa học khác nhau. Điều này có thể gây khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu.

img

Việt Nam nhập khẩu nhiều gỗ từ châu Phi. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, quản trị rừng tại các quốc gia này kém, thông thường liên quan đến việc thực thi chính sách kém hiệu quả, tham nhũng tràn lan và xung đột trong quản lý sử dụng tài nguyên rừng. Tất cả những yếu tố đó sẽ đưa lại những rủi ro pháp lý trong quá trình NK và xuất khẩu gỗ.

Đơn cử, theo Tổ chức Nông - Lương của Liên Hợp Quốc (FAO), ngành lâm nghiệp Angola đang thiếu dữ liệu thống kê về diện tích và chất lượng rừng hiện tại. Con số thống kê của cơ quan quản lý diện tích rừng không nhất quán; thiếu dữ liệu thống kê về lượng gỗ khai thác và sử dụng; cơ quan quản lý không đủ năng lực và nguồn lực để quản lý, giám sát một cách hiệu quả nguồn tài nguyên rừng…

Chủ động tiếp cận thông tin

Ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia Tổ chức Forest Trends – nhấn mạnh: Việt Nam sẽ thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT trong tương lai, đòi hỏi sự minh bạch về nguồn gỗ NK. Để hạn chế những rủi ro từ nguồn gỗ NK từ châu Phi, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần yêu cầu tất cả các quốc gia châu Phi cung cấp gỗ cho Việt Nam phải có các thông tin cơ bản về cơ chế, chính sách khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loài gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng, thương mại hóa tại quốc gia này.

Các cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp của Việt Nam phối hợp với các cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp tại các nước cung gỗ tại châu Phi, đưa ra danh sách các loài gỗ NK và đặc điểm nhận dạng của từng loài. Danh sách này cần được phổ cập trong hệ thống các nhà quản lý, làng nghề và những người NK.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Tôn Quyền cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin, không chỉ về các chính sách quản lý tài nguyên tại các quốc  gia cung gỗ mà cả các thông tin có liên quan trực tiếp đến các loài NK. Các cơ quan quản lý, bao gồm các đại diện thương mại của Việt Nam tại châu Phi và các hiệp hội gỗ có vai trò rất lớn trong việc thu thập thông tin liên quan đến gỗ NK và cung cấp cho doanh nghiệp NK.

Trả lời câu hỏi về những rủi ro khi nhập khẩu gỗ từ châu Phi, ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng, để hạn chế những rủi ro, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cần cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp NK trên cơ sở tranh thủ ý kiến của cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường kiểm tra chặt chẽ các luồng gỗ NK. Bên cạnh đó, chúng ta đã thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp  (CITES) nên loài gỗ nằm trong CITES thì phải có giấy phép CITES của nước sở tại khi NK vào Việt Nam.