Dân Việt

Xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi: Còn nhiều trở lực với phát triển sản xuất

Nguyên Vỹ 19/04/2018 06:00 GMT+7
Việc nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của tam nông khiến hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới; thu nhập lao động nông thôn chưa cao vẫn đang là những trở lực để huyện Củ Chi xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tổ chức sản xuất chậm đổi mới

Tiếp cận đề án thí điểm xây dựng NTM từ năm 2009, bà Trần Thị Mỹ Trinh (ngụ xã Tân Thông Hội) là một trong những nông dân hưởng ứng tích cực phong trào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

img

   Nông dân xã An Phú, huyện Củ Chi, chăm sóc vườn lan. Ảnh: T.L

Theo ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, trong mục tiêu kinh tế, hộ nghèo và thu nhập là 2 tiêu chí có quan hệ mất thiết với nhau. Việc đổi mới mô hình kinh tế tập thể cần nghiêm túc rà soát lại từ khâu vay vốn, kỹ thuật… xem là nguyên nhân chủ quan hay khách quan để thực hiện quyết liệt. Chính quyền và nhân dân Củ Chi cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu NTM.

Sau nhiều lần tham gia các lớp tập huấn, bà Trinh mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trồng hoa lan mokara cắt cành trên diện tích 500m2 tại đất nhà. Được Trung tâm Công nghệ sinh học hỗ trợ cây con giống, thuốc BVTV và hướng dẫn chăm sóc, đến năm 2010, bà thu hoạch đợt lan đầu tiên.

Đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh lan cắt cành mokara của gia đình bà đã đi vào ổn định. Vừa thu hoạch vừa tích lũy vốn để mở rộng quy mô; từ 1.150 cây lan, hiện bà Trinh sở hữu 30.000 cây trên với diện tích là 6.000m2, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng.

Ngoài tạo nguồn tăng thu nhập cho gia đình, mô hình mokara cắt cành của bà Trinh còn đang giải quyết việc làm cho 8 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đánh giá chung, bà Trinh cho rằng tình hình xây dựng NTM trên địa bàn Củ Chi cũng còn nhiều tồn tại như hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả chưa cao.

Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, nhưng các mô hình này chưa được nhân rộng và phát triển. “Ngoài lý do kinh phí đầu tư lớn thì yếu tố giá bán nông sản không ổn định cũng khiến người dân chưa mạnh dạn đầu tư. Bản thân tôi đang thực hiện thủ tục xin thành lập HTX hoa lan để nhân rộng mô hình” - bà Trinh chia sẻ.

Theo ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người sản xuất trong đầu tư; xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, quá trình hình thành và tình hình hoạt động của loại hình kinh tế tập thể còn gặp nhiều khó khăn.

Huyện Củ Chi có 33 HTX trong đó 24 HTX đang hoạt động (16 HTX nông nghiệp và dịch vụ), 9 HTX tác xã ngưng hoạt động do không thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX mới. Có 9/20 xã tự đánh giá đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.

Chưa hoàn thành mục tiêu kinh tế

Theo kết quả điều tra thu nhập khu vực nông thôn TP.HCM năm 2017, chương trình xây dựng NTM ở Củ Chi đã giúp thu nhập bình quân đầu người dân tăng lên từ 40 triệu đồng/năm 2015 lên gần 46,188 triệu đồng. Nhưng cũng theo kết quả này, huyện Củ Chi thuộc nhóm có thu nhập thấp so với các huyện còn lại.

Qua kết quả khảo sát cho thấy tình hình thực hiện đối với tiêu chí thu nhập chưa đạt với kế hoạch đề ra. Hiện chưa có xã tự đánh giá đạt tiêu chí này. Theo UBND huyện, một phần nguyên nhân do yếu tố thị trường, giá cả nông sản biến động không ổn định, các mô hình sản xuất như trồng hoa lan, cây kiểng, bò sữa, bò thịt... đã đạt đến mức bão hòa, từ đó ảnh hưởng đến mức tăng thu nhập của người dân.

Các tiêu chí quan trọng khác như hộ nghèo và lao động có việc làm cũng chỉ mới đạt được một số kết quả khiêm tốn. Giai đoạn 2016-2017 chỉ mới có 2/20 xã tự đánh giá đạt tiêu chí hộ nghèo; 10/20 xã tự đánh giá đạt tiêu chí lao động có việc làm.

Lý giải thêm, ông Trương Văn Thống - Bí thư Huyện ủy Củ Chi cho rằng, một số địa phương vẫn còn xem nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng; chưa quan tâm đúng mức về vai trò của tam nông và nhiệm vụ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một bộ phận cán bộ, nhân dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào nguồn lực Nhà nước khi xây dựng NTM tại địa phương.

Định hướng phát triển kinh tế  thời gian tới, huyện Củ Chi sẽ quy hoạch lại vùng chăn nuôi, tiếp tục giảm lượng và tăng chất trong trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa; tăng diện tích trồng rau VietGAP và đẩy mạnh sản xuất cá kiểng, cá giống. “Các mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ được gắn kết với du lịch, tạo ra sản phẩm mới nhằm thu hút du khách” - ông Thống chia sẻ.