Dân Việt

Trồng khoai tây sai củ, nhàn nhã nhờ bí kíp bón NPK-S Lâm Thao

Thu Hà 18/04/2018 16:00 GMT+7
“Tham gia mô hình trồng khoai tây sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín, gia đình tôi vừa được hỗ trợ giống, phân bón vừa được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật. Do đó, với mỗi sào trồng khoai tây, tôi tiết kiệm chi phí đầu tư 1 triệu đồng, còn năng suất cao gấp 1,5 lần so với sản xuất truyền thống, đạt 7,5 tạ/sào”.

Đó là chia sẻ của ông Phan Văn Quyền ở thôn Lam Điền, xã Đông Động, huyện Đông Hưng, Thái Bình.

Người trồng khoai tây tin dùng phân Lâm Thao

Vụ đông năm 2017, Hội Nông dân (ND) tỉnh Thái Bình phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai mô hình khoai tây sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín trên địa bàn xã Đông Động (huyện Đông Hưng) với tổng diện tích 7ha, 50 hộ tham gia.

img

Nông dân Thái Bình phấn khởi vì được mùa khoai tây. Ảnh: T.L

Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Phan Văn Đoàn phấn khởi nói: “Lần đầu tiên tham gia mô hình trồng khoai tây sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín, được hỗ trợ toàn bộ giống và phân bón, tôi rất phấn khởi. Tôi thấy trồng khoai tây vụ đông dễ làm, ít tốn công, đặc biệt bón phân NPK-S của Lâm Thao cây khoai tây sinh trưởng phát triển tốt, củ to hơn, khả năng cho năng suất cao hơn so với ruộng khoai tây tôi bón phân đơn. Vì vậy những vụ sau, tôi sẽ sử dụng phân NPK-S Lâm Thao để bón cho khoai tây vụ đông chứ không sử dụng phân đơn nữa”.

Với kinh nghiệm nhiều năm trồng khoai tây cho năng suất cao, ông Phan Văn Quyền được bầu làm nhóm trưởng mô hình trồng khoai tây khép kín ở thôn Lam Điền.

Ông Quyền phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi tiên phong trồng khoai tây ở xã Đông Động từ hơn 20 năm nay. Theo kinh nghiệm của tôi, tùy từng năm, bà con nên xuống giống trồng khoai tây vụ đông từ ngày 25.9 – 10.10 âm lịch. Sau 85 – 90 ngày là có thể thu hoạch khoai tây. Trồng khoai tây vụ đông vừa nhàn lại ít tốn công sức, chỉ việc kéo đất làm vồng rồi đặt khoai xuống, vãi phân là xong”.

img

Từ trồng khoai tây vụ đông, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có thu nhập khá. Ảnh: T.L

Theo ông Quyền, mặc dù vụ đông năm 2017, thời tiết mưa nhiều không thuận lợi cho cây khoai tây phát triển, tuy nhiên, do được chăm sóc, bón phân NPK-S Lâm Thao khép kín, cây khoai tây phát triển tốt, hầu như không bị sâu bệnh, củ to đồng đều, ít có củ bi, năng suất cao gấp 1,5 lần so với khoai tây trồng theo phương pháp truyền thống và bón phân đơn.

Cụ thể, vụ đông năm 2017, năng suất khoai tại các hộ đều đạt 6,5 – 7,5 tạ/sào, cá biệt có hộ đạt năng suất 7,9 tạ/sào. Với giá bán dao động từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, trừ chi phí bà con thu lãi trung bình 3 triệu đồng/sào nên ai cũng phấn khởi.

Để trồng khoai tây đạt năng suất cao, ông Quyền cho biết việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho khoai tây rất quan trọng. “Bà con phải chọn chỗ đất cao, thoát nước tốt, cần làm đất tơi xốp và lên luống trồng khoai tây. Trung bình, vụ khoai tây gia đình tôi thường bón từ 45 – 60kg NPK Lâm Thao, chia làm 3 lần.

Cụ thể: Lần 1 bón lót tôi thường dùng phân bón NPK 5.10.3, lần 2 bón thúc NPK 12.5.10 sau khi cây khoai tây được 15 ngày tuổi, lần 3 cũng bón thúc NPK 12.5.10 sau lần 2 là 30 ngày. Về sâu bệnh, bà con cần chú ý phòng bệnh thối nhũn khi gặp gió đông và nhện đỏ trên cây khi gặp nắng hanh” - ông Quyền chia sẻ.

img

Hướng dẫn bón phân Lâm Thao cho cây khoai tây. 

Tích cực liên kết “4 nhà”

Bà Bùi Thị Nga – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Thái Bình cho biết: Những năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Thái Bình đã tập trung tổ chức các hoạt động, dịch vụ, tư vấn hỗ trợ ND phát triển sản xuất. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp uy tín, trong đó có Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng phân bón chất lượng theo phương thức trả chậm. Riêng năm 2017, qua “kênh” Hội ND đã cung ứng hơn 33.000 tấn phân bón Lâm Thao cho bà con.

Ngoài bán phân bón trả chậm, Hội ND tỉnh Thái Bình còn phối hợp đồng bộ với các cấp Hội cơ sở, đặc biệt là Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng mô hình điểm sử dụng phân bón Lâm Thao.

Riêng năm 2017, các cấp Hội ND tỉnh Thái Bình đã phối hợp tổ chức hơn 50 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao cho hàng ngàn hội viên, ND; xây dựng hàng chục mô hình phân bón Lâm Thao khép kín trên cây lúa tại Quỳnh Hoàng, An Ninh đều ở huyện Quỳnh Phụ và trên cây vụ đông tại xã Đông Động (huyện Đông Hưng)…

Trao đổi về mô hình khoai tây vụ đông sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín ở xã Đông Động (huyện Đông Hưng), bà Nga khẳng định: Đây là 1 trong những mô hình liên kết “4 nhà” do các cấp Hội xây dựng nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tham gia mô hình ngay từ đầu vụ, hội viên, ND được cung ứng hơn 10 tấn giống khoai tây nhập khẩu từ Đức và Hà Lan theo chương trình hỗ trợ của UBND tỉnh Thái Bình. Bên cạnh đó, hội viên ND còn được phía Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hỗ trợ 100% phân bón.

“Trong quá trình triển khai, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Hội ND xã mở 2 lớp tập huấn cho ND tham gia mô hình về kỹ thuật trồng, quy trình bón phân bón NPK Lâm Thao khép kín, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, trong suốt quá trình khoai tây sinh trưởng, phát triển, Hội ND tỉnh và phía Công ty Lâm Thao cũng đã cử cán bộ kỹ thuật cùng với địa phương thường xuyên theo dõi tình hình của mô hình để có những đề xuất kịp thời và hợp lý, giúp bà con tham gia mô hình yên tâm sản xuất” - bà Nga thông tin.