Dân Việt

Liều mình trồng cây quý tộc, nông dân 7X cầm chắc 4 triệu/ngày

Anh Thơ 19/04/2018 06:26 GMT+7
Tự nhận mình có duyên với nghề nông, sau nhiều thử nghiệm, Trần Văn Chung (sinh năm 1979) ở thôn Phúc Trung, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, Thái Bình “liều mình” đầu tư trồng loại cây quý tộc – măng tây xanh. Dù không phải là người đầu tiên đưa măng tây xanh về đất lúa nhưng tính đến thời điểm này chỉ có anh là dám… làm lớn và bài bản.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Chung “liều lĩnh” trong đầu tư nông nghiệp, bởi trước đó, thời điểm năm 2003, anh đã tham gia một dự án và phải “trả giá” vì chưa tìm hiểu kỹ đặc tính của cây cũng như thổ nhưỡng mỗi vùng miền. Lúc đó, sau khi đi bộ đội về, Chung tham gia dự án trồng hòe, cung cấp giống vào miền Nam, nhưng do không phù hợp với thời tiết nắng nóng trong đó nên hòe chết hàng loạt. “Tôi phải đền hợp đồng khoảng 100 triệu đồng, số tiền không hề nhỏ ở thời điểm đó”, Chung nhớ lại.

img

Trang trại thời điểm chuẩn bị xuống giống măng tây xanh.

Sau đó, Chung tham gia công tác ở địa phương với vai trò Trưởng chỉ huy quân sự xã, đồng thời kinh doanh điện thoại, tưởng như việc nông gia, đồng áng sẽ “cạch đến già” sau bài học cây hòe, vậy mà sau một lần đến thăm trang trại của một người bạn, Chung đã thay đổi 180 độ. “Lúc đầu, tôi định đầu tư làm vườn tường, cung cấp cây cảnh cho đô thị nhưng khi được chứng kiến một trang trại quy mô, làm ăn bài bản và nguồn thu tốt thì quyết định chuyển hướng”, Chung nói.

Sau đó, anh lên mạng tìm hiểu các loại cây – con đang thịnh hành và quyết định chọn măng tây xanh vì nhận thấy đây là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhu cầu thị trường đang cao mà nguồn cung còn hạn chế, ngoài ra còn có thể chế biến thành nhiều loại thực phẩm chức năng phục vụ con người.

img

Vườn măng lên xanh sau bao "mưa dập gió vùi".

Nhưng vì đây là cây lạ nên để có đủ kiến thức, Chung xách ba lô đi khắp các trang trại ở miền Bắc học hỏi trong vòng 1 tháng. Khi đã “hòm hòm”, anh quay về, lên kế hoạch thuê đất của người dân với diện tích đủ lớn thực hiện tham vọng đưa măng tây xanh về đất bãi Phúc Thành, nơi bao đời nay người dân chỉ gắn bó với cây lúa, cây ngô.

Sau rất nhiều lần thương thuyết, cuối cùng Chung cũng thuê được 2,2ha đất của 29 hộ dân trong xã, đồng thời ký hợp đồng cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm với một doanh nghiệp. Tháng 4/2017, Chung đặt những cây giống măng tây xanh đầu tiên trên đồng đất Phúc Thành.

img

Mỗi ngày Chung thu hái 50kg măng tây xanh, đút túi 4 triệu đồng.

Nhìn măng tây xanh lên rất đẹp, Chung khấp khởi mừng thầm nhưng ai ngờ tuân thủ nguyên theo sách vở một cách quá nguyên tắc cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Số là, anh đọc sách thấy bảo phủ nylon thì sẽ bớt cỏ nên đầu tư 37 triệu đồng phủ nylon cho toàn bộ gốc măng tây xanh. Nào ngờ, mùa hè nắng nóng, thoát nước kém măng tây bị ối rễ, Chung lại mất bao công sức, tiền của để vực dậy.

“Thời điểm đó, tôi kết nối được với một chuyên gia nông nghiệp, người ta về tận nơi, thấy vườn măng tây phát triển đì đẹt, cho thu hoạch kém nên tìm hiểu và phát hiện là do bộ rễ, rồi chỉ cho cách khôi phục”, Chung nói.

img

Trần Văn Chung (đội mũ) ngồi sơ chế, đóng gói măng tây xanh với nhân công.

Tưởng đã hết khó khăn, đang chuẩn bị thu hoạch lứa măng tây tiếp theo thì trận mưa lịch sử tháng 11/2017 khiến nhiều nơi ở miền Bắc chìm trong biển nước, Thái Bình cũng không ngoại lệ, vườn măng tây xanh của Chung trắng xóa một màu. Rồi sau đó, lại đến rét đậm rét hại và sương muối, trang trại măng tây xanh của Chung dường như chẳng có cơ hội phục hồi, nhiều diện tích phải phá bỏ, trồng cây mới. Cả tỷ đồng đầu tư vào trang trại, giờ chẳng biết bao giờ gỡ lại.

Vậy mà sang mùa xuân, cả vườn măng tây xanh như bừng lên sức sống mới, tỏ ra thích nghi với đồng đất Phúc Thành, Chung như trút được gánh nặng bởi sau những biến cố hồi năm 2017, anh mới chứng tỏ với mọi người “mình không bị hâm” khi đang yên đang lành đi… làm nông nghiệp.

Giờ thì mỗi ngày Chung thu đều đặn 50 kg măng tây xanh, bán với giá bình quân 80.000 đồng/kg, đút túi 4 triệu đồng/ngày. Do số lượng chưa nhiều nên thu đến đâu bán hết đến đấy. Sắp tới khi vườn phát triển ổn định, số lượng có thể lên đến 1 tạ/ngày nhưng vì đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên Chung rất yên tâm về đầu ra.

Chung tiết lộ, anh vừa trao đổi với một đại diện Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nếu số lượng nhiều có thể chế biến thành bột để xuất khẩu. “Nói chung, đầu ra cho măng tây xanh hiện tại không thiếu, chỉ là mình có đáp ứng được hay không thôi”, Chung khẳng định.