Dân Việt

Tàu chiến Nga, Mỹ rầm rập vào Trung Đông

24/11/2011 06:51 GMT+7
(Dân Việt) - Chính sách ngoại giao dựa trên đe dọa vũ lực đã đột ngột tăng mạnh ở Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư, với việc Nga điều tàu chiến tới ngoài khơi Syria trong khi Mỹ đưa tàu sân bay tới Iran.

Trung Đông lại nóng bỏng

Báo chí phương Tây ngày 23.11 cho biết, theo các nguồn tin quân sự, Nga và Mỹ đã thông qua quyết định gây hấn khi hôm 12.11, hai tàu sân bay của Mỹ là USS Bush và USS Stennis đi qua eo biển Hormuz và chọn vị trí đối diện với bờ biển của Iran, đúng vào ngày xảy ra một vụ nổ bí hiểm tại căn cứ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran gần Tehran, khiến toàn bộ giới chỉ huy chương trình tên lửa đạn đạo nước này thiệt mạng.

img
Tàu chiến USS George H.W. Bush của Mỹ.

5 ngày sau, ngày 17.11, Hãng thông tấn Syria đưa tin 3 tàu hải quân Nga trên Địa Trung Hải đang hướng đến Syria. Ngày 21.11 có tin Tổng thống Syria thông báo 3 tàu chiến của Nga đã vào hải phận nước này, bên ngoài cảng Tartus.

Những tàu Nga sẽ không hạ neo ở cảng của Syria mà hoạt động dọc theo bờ biển nước này để chống lại bất kỳ cuộc can thiệp nào của nước ngoài vào bất ổn ở Syria. Trong khi Moscow và Damas giữ kín danh tính của đội tàu chiến Nga, các nguồn tin Arập cho rằng ít nhất 2 tàu trong nhóm này được trang bị thiết bị để thu thập tin tức tình báo và chiến tranh điện tử.

Khi tàu chiến Nga tiến vào lãnh hải Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter McKay thông báo rằng, Hải quân hoàng gia Canada sẽ duy trì ở Địa Trung Hải một số tàu từng tham gia chiến dịch Libya cho tới cuối năm 2012.

Khả năng chiến tranh

Khu vực Trung Đông nóng lên trong thời gian qua, với tâm điểm là bất ổn ở Syria và tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ Israel - Iran. Những người biểu tình tại Syria yêu cầu Tổng thống Assad từ chức. Các cuộc đụng độ giữa phe biểu tình và phe trung thành với ông Assad khiến hàng trăm người thiệt mạng trong vài tháng qua.

Bên cạnh đó, bản báo cáo của các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định, Iran đang nghiên cứu vũ khí hạt nhân khiến quốc gia Hồi giáo này phải nhận những lệnh trừng phạt mới từ phương Tây. Căng thẳng càng leo thang khi Israel tuyên bố sẵn sàng đánh phủ đầu để ngăn chặn các nguy hiểm có thể tới từ Iran. Ngược lại, lãnh đạo Tehran tuyên bố không từ bỏ chương trình hạt nhân và không e ngại sức ép từ phương Tây.

Báo cáo của IAEA đã chỉ ra những hạn chế về hiệu quả của một chiến dịch quân sự và cho rằng một chiến dịch như vậy cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng vì nó có nguy cơ khơi mào một cuộc chiến tranh khu vực tiềm tàng với những hậu quả vô cùng thảm khốc.

Một số phương tiện truyền thông cho rằng một cuộc chiến tranh Trung Đông mới có thể sắp xảy ra, nếu ban lãnh đạo của Israel quyết định không thể làm ngơ trước việc Iran từng thề sẽ hủy diệt Israel nếu có trong tay một quả bom hạt nhân.

Trong khi đó, hầu hết các các chuyên gia đều nói nước đôi chứ không đưa ra bất kỳ dự đoán cụ thể nào về một khu vực biến động như vậy trong thời gian dài. Tuy nhiên, ít nhất là tại thời điểm này, các chuyên gia cho rằng không có chi tiết nào trong báo cáo của IAEA có thể khiến cho một hành động quân sự (chống lại Iran) chắc chắn sẽ xảy ra.