Mặc dù vậy, trong một loạt tờ trình dự thảo đề xuất tới đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay BIDV hiện chưa “tiết lộ” thông tin về tờ trình dự thảo phương án nâng vốn hay bầu nhân sự. Do đó, nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi diễn biến cuộc họp cổ đông sắp tới để có câu trả lời cụ thể.
Kế hoạch cắt giảm nhân sự do chi phí hoạt động tăng cao
Nhìn chung, sau kiểm toán trật tự các ngân hàng thương mại xét về lợi nhuận không thay đổi mặc dù kết quả kinh doanh có bị điều chỉnh ít nhiều. Trong top các tổ chức tín dụng có vốn hoá và quy mô lớn trên thị trường chứng khoán, BIDV vẫn giữ vững ngôi vị thứ ba sau Vietcombank và Vietinbank.
Nguyên nhân kéo lợi nhuận BIDV giảm hậu kiểm toán là do các khoản mục thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh sau kiểm toán đều bị điều chỉnh giảm từ 8 đến 66 tỷ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động lại bị điều chỉnh tăng thêm 136 tỷ đồng (tương đương tăng 0,88%), lên 15.504 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV giảm 203 tỷ đồng (tương đương giảm 0,86%), xuống còn 23.512 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, với mức lợi nhuận này ngân hàng vẫn vượt kế hoạch được giao và tăng trưởng 12% so với lợi nhuận sau thuế năm 2016. Theo giải trình của Ngân hàng thì đó là kết quả của việc gia tăng tích cực nguồn thu dịch vụ và thu nợ ngoại bảng trong năm.
Đáng chú ý, mặc dù thu nhập lãi thuần và thu nhập từ các hoạt động khác của BIDV cao hơn VPB hơn 10 nghìn tỷ đồng nhưng kết quả cuối cùng vẫn bị lợi nhuận ngân hàng VPBank bám đuổi sát sao.
Nhìn lại báo cáo kết quả kinh doanh của BIDV có thể thấy tổng chi phí hoạt động hiện đang duy trì cao, chiếm tỷ trọng gần 40% tổng thu nhập hoạt động trong đó chủ yếu là các khoản chi lương thưởng cho nhân viên. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại hiện đã tiết giảm được khoản chi phí này, chẳng hạn VPBank đã giảm được tỷ trọng chi phí hoạt động từ 39% trong năm 2016 xuống còn 35% trong năm 2017.
Do đó, năm 2018 dự báo BIDV sẽ thực hiện chính sách tinh giản lao động, tăng cường bộ phận kinh doanh trực tiếp, giảm nhân lực khối hỗ trợ để tăng hiệu quả kinh doanh.
Bỏ trống kế hoạch bán vốn và ghế chủ tịch
Một lần nữa chủ đề tăng vốn điều lệ sẽ được đề xuất tại Đại hội đồng cổ đông năm nay. Kế hoạch tăng vốn đã manh nha từ năm 2015 tuy nhiên cho đến nay vốn điều lệ của BIDV vẫn ở mức 34.187 tỷ đồng chưa thể tăng.
Tại ĐHĐCĐ năm 2017, Ngân hàng đã trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng, từ 34.187 tỷ đồng lên 38.632 tỷ đồng. Phương thức tăng vốn theo đó sẽ tiến hành qua 3 đợt bao gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng; phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do điều kiện thị trường không thuận lợi, tiến độ phê duyệt của các cơ quan quản lý kéo dài nên trong năm 2017, BIDV vẫn chưa hoàn tất được các phương án tăng vốn theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2017.
Năm 2018, phương án tăng vốn điều lệ sẽ thay đổi sang bán cổ phần cho Nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính). Hiện BIDV đang tích cực làm việc với đối tác tác và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh quá trình giao dịch bán cổ phần đồng thời ngân hàng cũng tiếp tục thoái vốn tại các công ty liên doanh, liên kết.
Tuy nhiên, nội dung tờ trình dự thảo phương án nâng vốn điều lệ hiện chưa được đăng tải trên website của ngân hàng nên nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi kết quả cuộc họp vào ngày 21/04/2018 tới. Nhiều nguồn tin cho rằng một trong những đối tác mua vốn cổ phần của BIDV là KEB Hana Bank, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Tài chính Hana của Hàn Quốc.
Ông Phạm Quang Tùng được đồn đoán là ứng viên sáng giá cho ghế nóng BIDV (Ảnh:IT)
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng tại ĐHĐCĐ năm nay là việc ai sẽ tiếp quản “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT sau ông Trần Bắc Hà. Cụ thể, ngày 1.9.2016, ông Trần Bắc Hà, người đã có hơn 30 năm gắn bó với BIDV, đã về nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội.
Sau khi ông Hà về hưu, ông Trần Anh Tuấn là thành viên HĐQT được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV. Đồng thời Ngân hàng tiếp tục cử ông Trần Anh Tuấn phụ trách điều hành HĐQT.
Hiện nay, BIDV đang có 2 đại diện vốn nhà nước, cùng là thành viên HĐQT bao gồm ông Phan Đức Tú và ông Bùi Quang Tiên, mỗi người đại diện 30% vốn. Còn 40% vốn nữa nhà nước chưa có đại diện. Ông Bùi Quang Tiên vừa được bầu bổ sung vào HĐQT ngân hàng hồi tháng 4.2017, trước đó ông là Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN.
Ông Phan Đức Tú ngoài thành viên HĐQT còn kiêm vị trí Tổng giám đốc của ngân hàng này. Do đó, cho đến nay mọi người vẫn không hiểu tại sao chiếc ghế Chủ tịch HĐQT vẫn bị bỏ trống.
Một ứng viên sáng giá và được đồn đoán nhiều nhất sẽ thay ông Trần Bắc Hà là ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) về làm thành viên HĐQT BIDV.
Ban Thường vụ Đảng ủy HĐQT BIDV phân công ông Phạm Quang Tùng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – Sumitrust (BSL) thay bà Lê Thị Kim Khuyên và thay ông Nguyễn Huy Tựa làm người đại diện vốn của BIDV tại BIDV Metlife.
Như vậy, ông Phạm Quang Tùng rời BIDV để sang VDB khi đang là Phó Tổng Giám đốc ngân hàng. Nhưng khi rời ghế Chủ tịch VDB để trở lại BIDV, ông Tùng được phân công làm Chủ tịch một công ty thành viên trong hệ thống BIDV.
Song cũng lưu ý rằng, hai nhân sự mà ông Tùng được nhắm thay thế theo quyết định trên, là bà Lê Thị Kim Khuyên và ông Nguyễn Huy Tựa, đều là những người có tên trong HĐQT BIDV. Trong đó, ông Nguyễn Huy Tựa đã chính thức thôi làm Ủy viên HĐQT BIDV để nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01.11.2017, mà đến nay vẫn chưa có nhân sự thay thế. Nên không loại trừ khả năng, việc ông Phạm Quang Tùng trở lại BIDV còn để chuẩn bị cho những trọng trách lớn hơn, không dừng lại ở việc đứng đầu một công ty thành viên.
Tất nhiên, câu trả lời vẫn còn chờ diễn biến tại ĐHĐCĐ của BIDV diễn ra vào ngày 21.4 tới.