Dân Việt

Vải nhãn được mùa kỷ lục: Lên nhiều kịch bản tiêu thụ tránh vỡ trận

Đình Thắng 19/04/2018 08:05 GMT+7
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị thúc đẩy chăm sóc, tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía Bắc niên vụ 2018 sáng 18.4. Năm nay vải, nhãn hứa hẹn được mùa, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, các địa phương cần làm tốt khâu sơ chế, đóng gói, có bao bì nhãn mác đầy đủ.

Bảo quản, đóng gói đang là “tử huyệt”

Vải, nhãn là hai loại cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc với tổng diện tích năm 2017 đạt 98.000ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc. Trong đó, vải chiếm 16%, nhãn chiếm 11%.

img

Hưng Yên sẽ tiếp tục tổ chức các hội chợ để đẩy mạnh tiêu thụ nhãn.  Ảnh: T.L

"10 năm nay chúng tôi đã thực hiện thu mua vải thiều, những năm trước chủ yếu tiêu thụ trong nước. Gần đây chúng tôi triển khai tiêu thụ sang Trung Quốc, với số lượng 3.000-4.000 tấn/năm. Đang có hướng thu mua, đóng gói bảo quản số lượng lớn nhằm mở rộng xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Mạnh Trường - Tổng Giám đốc
Công ty XNK Hương Việt

Theo Bộ NNPTNT, thời tiết từ tháng 3 tới tháng 5 năm nay thuận lợi cho vải, nhãn ra hoa, đậu quả và phát triển. Hiện, tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả đạt trên 90%. Năm nay, sản lượng vải của 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên ước đạt trên 217.000 tấn (Bắc Giang 150.000 tấn, Hải Dương 55.000 tấn, Hưng Yên 12.000 tấn); sản lượng nhãn đạt khoảng 80.000 tấn (Hưng Yên 41.000 tấn, Sơn La 38.000 tấn).

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, tỷ lệ tiêu thụ vải, nhãn ở thị trường nội địa chiếm khoảng 50% và đang có xu hướng tăng. Địa bàn tiêu thụ chính là Hà Nội, TP.HCM. Vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung khai thác các thị trường này, kết nối với các siêu thị lớn: Metro, Co.opmart, Happro, BigC, VinMart, các chợ đầu mối…

Với thị trường xuất khẩu, hiện vải tươi đã tới nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, ASEAN, Trung Đông…

Đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, ông Sơn cho biết, Quảng Tây vừa có thông báo tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhậu khẩu, trong đó có Việt Nam. Do vậy, cần lưu ý về bao bì đóng gói sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, Bắc Giang xác định vải là cây chủ lực. Niên vụ 2018, diện tích trồng vải ở địa phương đạt gần 29.000ha, sản lượng ước tính 90.000 tấn, tăng gần 2 lần so với năm 2017. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho Bắc Giang trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do thời gian thu hoạch vải ngắn, chủ yếu bảo quản trong thùng xốp ướp lạnh nên việc vận chuyển đi xa gặp khó khăn. Tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vừa yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với nông sản xuất khẩu, đây là chính sách mới nên các doanh nghiệp và nông dân cần có những hướng dẫn cụ thể, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.

Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiến nghị các bộ, ngành cùng doanh nghiệp hỗ trợ địa phương trong khâu bảo quản, chế biến, bao bì nhãn mác. “Đề nghị Bộ NNPTNT sớm đàm phán với Trung Quốc về vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như sớm hướng dẫn cụ thể để địa phương có thể thực hiện, đề nghị phía Trung Quốc sớm phê duyệt mô hình thông quan 2 quốc gia, 1 cửa” - bà Hà nói.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

img

Ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, niên vụ 2018, sản lượng vải của tỉnh tăng 15%, nhãn 20%, với 41.000 tấn nhãn, 12.000 tấn vải. Để đẩy mạnh tiêu thụ, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị kết cấu cung cầu, quảng bá xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp về Hưng Yên bàn các giải pháp tiêu thụ, tổ chức hội chợ ở khu đô thị Ecopark (Hà Nội).

“Năm vừa qua, có gia đình thu tới 4 tỷ đồng tiền hoa, cây cảnh nhờ tham gia các hội chợ. Do vậy, năm nay tỉnh sẽ có hội nghị xúc tiến thương mại ở Phù Cừ, Khoái Châu, tiếp tục kết nối tổ chức hội chợ với Ecopark vì vào dịp cuối tuần thường có hàng nghìn người đến đây nghỉ ngơi, mua hàng” - ông Phóng nói thêm.

Với Hải Dương, ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước việc sản lượng vải tăng đột biến, tỉnh sẽ bỏ kinh phí hỗ trợ người dân xuất khẩu. Tuy nhiên, giá chiếu xạ còn cao, vận chuyển xa nên lượng xuất khẩu chưa được nhiều. Hải Dương rất cần các nhà khoa học vào cuộc giúp nông dân, doanh nghiệp bảo quản vải được lâu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.

Với vùng nhãn Sơn La, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện chưa có doanh nghiệp lớn nào tới Sơn La kết nối tiêu thụ, thông tin thị trường còn hạn chế. Ông Khánh đề nghị Bộ NNPTNT giúp Sơn La kết nối với thị trường Trung Quốc.

Ông Trần Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, tỉnh đã đầu tư đường ra 12 cửa khẩu giáp Trung Quốc, xây dựng bến bãi tập kết, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoa quả xuất khẩu. Tỉnh đang xây dựng tuyến đường sắt, mở một số cửa khẩu chuyên để xuất khẩu hàng, đồng thời tổ chức phân luồng sớm để tránh ùn ứ, kéo dài thời gian thông quan tới 21 giờ và đặc biệt đàm phán với phía bạn để thông quan cả ngày nghỉ.

Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) cho rằng, thị trường vải ở Nhật còn rất lớn. Điều quan trọng là phía bạn yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, phải kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công ty Đồng Giao có thể xuất khẩu 5.000 tấn vải đã qua chế biến cùng một lượng lớn vải, nhãn tươi. Để vải, nhãn rộng đường xuất khẩu sang thị trường Nhật, đề nghị các địa phương khuyến khích người dân liên kết sản xuất trong tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng dẫn bà con chăm sóc theo quy trình an toàn để đảm bảo vải, nhãn đạt chất lượng cao nhất.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Group cam kết sẽ thu mua tối thiểu 150 tấn vải/ngày. Ngoài chế biến, Nafoods đang tiên phong xây dựng vùng nguyên liệu quả tươi VietGAP, GlobalGAP.

Cần các bộ, ngành và địa phương vào cuộc quyết liệt

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Việc tiêu thụ vải, nhãn cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, bộ, ngành liên quan. Trên tinh thần vào cuộc ráo riết, quyết liệt nhưng cũng hết sức bình tĩnh, chúng ta không sợ thừa vải, nhãn. Lần này chúng ta sẽ làm việc căn cơ, bài bản, đảm bảo tiêu thụ tốt, đem lại thu nhập cao, ổn định đời sống cho nông dân”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị tỉnh Sơn La sớm hoàn thành hai nhà máy chế biến rau quả, giúp giảm áp lực cho người dân phải bán hoa quả tươi, đồng  thời cho biết sẽ tạo điều kiện để các tỉnh tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội thông qua các hội chợ, lưu ý các tỉnh quan tâm tới thị trường phía Nam.
Với thị trường Trung Quốc, “chúng ta đã cử người sang Quảng Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho người dân và các tỉnh. Không được chủ quan trong khâu thị trường, mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho nông dân, được mùa nhưng không được mất giá ” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.