Đây là động thái tiến tới hạn chế và xóa bỏ việc kinh doanh USD trên thị trường tự do, đồng thời tập trung đầu mối thu mua USD.
Giao dịch tinh vi, khó ngăn chặn
Theo giải thích của cơ quan quản lý, việc xử phạt nặng từ 50 -100 triệu đồng và tịch thu tang vật là một trong những hành động quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm chống tình trạng USD hóa và tiếp theo là tăng dự trữ ngoại hối cho quốc gia. Trước mắt, nghị định này là công cụ hữu hiệu nhất để cải thiện thanh khoản ngoại tệ cho ngân hàng trong dịp căng thẳng cuối năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tỷ giá USD trong ngân hàng được ấn định ở mức 20.803 VND/USD. Trong khi đó, giá USD ngoài thị truờng tự do 21.280 đồng (mua vào) và 21.330 đồng (bán ra). Khi triển khai nghị định, đồng nghĩa với việc người dân nếu có USD muốn quy đổi ra VND thì buộc phải bán lại cho các NH hoặc một số điểm thu đổi do NHNN cấp phép với mức giá thấp hơn thị trường tự do. Trong khi nếu có nhu cầu mua ngoại tệ thì ngân hàng lại không đáp ứng. Rõ ràng người dân đang bị thiệt thòi!
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, phần lớn lượng kiều hối từ 6-8 tỷ USD/năm đều chảy vào thị trường tự do hoặc nằm trong dân nhưng do tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do luôn cao hơn NH nên nhiều năm qua người dân không bán USD cho ngân hàng. Thận trọng, kín đáo vẫn là phương thức kinh doanh của nhiều cửa hàng vàng, ngoại tệ trên “phố ngoại tệ” Hà Trung (Hà Nội) thời gian gần đây.
Một nhân viên của tiệm vàng, thu đổi ngoại tệ cho biết: Giao dịch trầm lắng từ cuối tháng 10 và đến thời điểm này hầu như chỉ giao dịch với khách hàng tin cậy, quen biết. Một khi giao dịch bằng USD ngày càng trở nên tinh vi hơn (chỉ qua điện thoại) thì việc bắt và xử lý thực sự không đơn giản.
Chỉ có ngân hàng mới lách được!
Câu hỏi được đặt ra là khi thực hiện quyết liệt Nghị định 95, liệu rằng người dân có chịu thiệt khi mà bán cho ngân hàng thì dễ còn mua USD tại ngân hàng thì khó vạn lần. Đấy là chưa kể đến chuyện trong nội tại các ngân hàng vẫn đang diễn ra tình trạng USD hai giá.
Chị H - một khách hàng đang có nhu cầu mua USD để hoàn thành hồ sơ du học khẳng định với PV NTNN: “Phạt 50 -100 triệu đồng hay là tịch thu USD khi giao dịch trên thị trường tự do là điều chủ quan, duy ý chí và là tư duy "không quản nổi thì cấm".
NHNN sẽ không cấm nổi nhu cầu thực của người dân về đầu tư, dự phòng, mua bán trao đổi, thậm chí đầu cơ kiếm lời. Nếu cầm đoán, họ sẽ rút vào vòng hoạt động bí mật, càng khó kiểm soát”. Chị H cho hay, chị chưa bao giờ mua USD đúng với giá niêm yết của ngân hàng.
Một số ý kiến khác cho rằng, khi đồng nội tệ có xu hướng mất giá, nền kinh tế và việc làm ăn kinh doanh ảm đạm hoặc thiên tai địch họa xuất hiện, người dân trên khắp thế giới chứ không riêng gì Việt Nam đều chọn cách "trú ẩn" vào vàng, USD. Không mua bán được với ngân hàng thì buộc phải ra ngoài chợ đen.
Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương (Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) khẳng định: “Đây là bước đi đúng trong lộ trình chống vàng hóa và đô la hóa nói chung”. TS Dương phân tích. Gốc của vấn đề là phải nâng giá trị tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện được mục tiêu này cần phải mất 5 năm, thậm chí là 10 năm. Trước mắt, NHNN sẽ phải dùng đến chính sách tiền tệ, bảo vệ đồng tiền, sau đó nâng dần giá trị.
Cũng theo ông Dương, khi NHNN hướng người dân bán và giao dịch USD tại những điểm cho phép sẽ có hai thuận lợi. Thứ nhất, NHNN sẽ ước lượng được lượng USD trong xã hội. Thứ 2 là nắn dòng USD nói riêng và ngoại tệ nói chung vào thị trường giao dịch chính thống.
Phương Hà