Theo ghi nhận của PV, giá heo hơi (lợn hơi) trên địa bàn cả nước đã duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi từ hơn 10 ngày nay. Tại khu vực miền Đông Nam Bộ như tỉnh Đồng Nai, huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), giá heo hơi đã chạm mốc 40.000 đồng/kg, tăng đến 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 4.
Tại Hưng Yên, Hải Dương, giá heo hơi đang dao động ở mức 37.000 - 37.500 đồng/kg; Yên Bái từ 37.000 - 38.000 đồng/kg, heo đẹp có thể lên tới 40.000 đồng/kg; Thái Bình 38.000 - 39.000 đồng/kg; Nam Định 40.000 đồng/kg...
Giá heo hơi xuất chuồng mới nhất hiện dao động phổ biến từ 38.000 - 40.000 đồng/kg tuỳ vùng. Ảnh minh hoạ
Ông Nguyễn Văn Chiểu - chủ trang trại chăn nuôi heo tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) cho biết, từ đầu tháng 4.2018 đến nay, giá heo hơi trên địa bàn tăng liên tục, từ mức giá 30.000 đồng/kg lên 33.000 đồng, sau vài ngày, tăng lên 35.000 đồng và đến thời điểm này đã chạm mốc 40.000 đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi.
Ngày 18/4, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Bắc – chủ trang trại 700 lợn nái và 5.000 lợn thương phẩm ở Sơn La cho biết, tại thời điểm này giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn duy trì ở mức 39.000 – 40.000 đồng/kg.
Ông Bắc cho biết: “Lúc nào trong trang trại nhà tôi cũng có hơn 5.000 lợn thương phẩm. Do nuôi nhiều nên ngày nào tôi cũng xuất bán từ 30 – 50 con lợn thịt, bất kể thị trường lên hay xuống giá. Đáng mừng là những ngày qua, giá heo hơi liên tục tăng, giúp chúng tôi thoát cảnh thua lỗ kéo dài. Hiện, giá heo hơi tại Sơn La dao động từ 39.000 – 40.000 đồng/kg".
"Theo thông tin tôi nắm được, hiện các trang trại của Công ty CP Chăn nuôi CP vẫn bán heo với giá tốt. Cụ thể giá bán tại trại ở Hà Nội là 38.500 đồng/kg, tại Hòa Bình là 39.500 đồng/kg” - ông Bắc khẳng định.
Mặc dù giá heo hơi cả nước tăng liên tục trong gần 2 tuần, song cả người chăn nuôi lẫn cơ quan quản lý đều không dám khẳng định mức giá này sẽ bền vững lâu dài. Thực tế là khoảng 2 ngày qua, giá heo hơi không còn tăng trưởng "nóng" mà đã có dấu hiệu chững lại.
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay tại nhiều địa phương đã chững lại, song người chăn nuôi vẫn tiêu thụ dễ dàng và có lãi. Ảnh: T.L
Theo các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm tại Đồng Nai và Bình Dương, việc heo hơi tăng giá trong gần 2 tuần qua ngoài do các thương lái đưa được heo nhiều hơn sang Lào, Campuchia còn do yếu tố nguồn cung trong nước giảm. Gần 2 năm qua, các nông hộ nhỏ đã kiệt quệ vì thua lỗ, không còn khả năng nuôi tiếp, tỷ lệ nông hộ giảm đàn hoặc ngừng chăn nuôi rất lớn. Ngay cả một số trang trại cũng đã phải bỏ trống chuồng. Đến thời điểm này, chỉ còn các công ty duy trì được đàn heo.
Đáng chú ý là trong thời gian giá heo tăng vừa qua, các thương lái vẫn gần như không đưa được heo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhiều nguồn tin cho biết, hiện tại, giá lợn hơi ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp, không thiếu hàng, nên hầu như không tác động gì tới việc tăng giá liên tục vừa qua đối với thị trường thịt lợn trong nước.
Báo cáo chính thức được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, sản lượng thịt heo của Trung Quốc tăng 2,1% lên 15,4 triệu tấn trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi người nông dân gia tăng giết mổ trong bối cảnh giá giảm sâu.
Giá heo hơi tại Trung Quốc cũng đã giảm khoảng 30% trong quý I, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong lịch sử, sau khi các trang trại mới tăng cường sản xuất.
Đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng lưu ý, mặc dù tổng đàn lợn đã giảm do nhiều chủ hộ không tái đàn, nhiều trang trại giảm đàn, giảm nái, nhưng hiện nay, nguồn cung về thịt lợn trên thị trường không khan hiếm, vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện. Vì vậy, người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nóng vội tăng đàn hoặc tái đàn để tránh tình trạng giá lợn lại giảm sâu, dẫn tới thua lỗ thê thảm như thời gian qua.