Siết chặt quản lý
Theo ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, "Tháng hành động vì ATTP” là điểm nhấn trong năm, tạo đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn. Gắn trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội trong đảm bảo ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho hay, việc triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2018 hết sức cần thiết vì đây là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc do giao mùa. Đặc biệt chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” là nội dung thiết thực để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Chủ đề này gắn liền với tinh thần Nghị định 15/2018/NĐ - CP, thể hiện ở việc doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về sản phẩm thực phẩm của đơn vị mình trước khi đưa ra thị trường.
Liên ngành kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh ATTP tại chợ Hà Đông (ảnh IT)
Ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo công tác ATTP TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có hơn 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thì tuyến xã, phường, thị trấn quản lý 56% số cơ sở này.
Trong quý I.2018, TP.Hà Nội đã thành lập 721 đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về ATTP, trong đó, thành phố có 45 đoàn; quận, huyện, thị xã 82 đoàn và xã, phường, thị trấn 594 đoàn. Ngoài công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hằng năm, các đoàn tập trung kiểm tra ATTP mùa lễ hội xuân 2018. Qua công tác kiểm tra cho thấy, sai phạm chủ yếu rơi vào cơ sở làm thời vụ, chưa bảo đảm điều kiện sản xuất, người lao động chưa được tập huấn kiến thức về ATTP, chưa được kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Tăng cường thanh - kiểm tra
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh, các cấp, ngành, đặc biệt là cấp huyện, xã phải nâng cao vai trò, trách nhiệm về đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn quản lý; phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể trong việc đảm bảo ATTP... Cùng với đó là tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn.... |
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung xem xét các nội dung về giấy chứng nhận và hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật để chứng minh các điều kiện bảo đảm ATTP hoặc nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Khi phát hiện vi phạm quy định về công bố, ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, hàng hóa không nguồn gốc, thực phẩm không bảo đảm chất lượng…, các cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật với các hình thức như đình chỉ hoạt động, buộc phải khắc phục hậu quả, tịch thu tang vật, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm, phạt tiền...
Trong “Tháng hành động vì ATTP” năm nay, thành phố sẽ chuyển từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất. Trong quá trình thanh, kiểm tra sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh trên xe kiểm nghiệm ATTP chuyên dụng cũng như xét nghiệm tại Labo để cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP. Kết quả kiểm tra sẽ công khai tên các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.