Dân Việt

Ninh Thuận như một sa mạc trong đại hạn nắng nóng, khô hạn kỷ lục

Công Tâm 22/04/2018 06:50 GMT+7
Mới đầu mùa khô, nhưng nắng hạn đang hoành hành tại Ninh Thuận, gây trơ đáy nhiều hồ chứa nước, hàng loạt gia súc đa bị chết...

Tính đến nay, tổng dung tích 21 hồ chứa nước trên địa bàn Ninh Thuận còn 120,56 triệu m3/194,49 triệu m3, chiếm 61,99% dung tích thiết kế. Lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương là 100,89/165 triệu m3, lưu lượng nước vào hồ là 5,44 m³/s và đang xả nước với lưu lượng 24,92 m³/s. Một số hồ chứa đã bị cạn kiệt như: Phước Trung, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Tà Ranh, Bầu Ngứ, Suối Lớn, Ông Kinh, CK7, Ma Trai,...

img

Hồ Ông Kinh đã cạn trơ đáy, việc chăn nuôi và sản xuất trong khu vực gặp nhiều khó khăn

Đại diện Sở NNPTNT Ninh Thuận cho biết, khi hạn hán kéo dài, nhiều diện tích nông nghiệp phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu đói sẽ xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn. Khoảng 2.304 hộ/9.947 khẩu đang và sẽ thiếu nước sinh hoạt, cần phải "chi viện" từ khu vực khác. Các khu vực nguy cơ thiếu nước gồm: Phước Thành, Phước Trung (Bác Ái); thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải); Suối Le, Phước Kháng (Thuận Bắc); xã Ma Nới (Ninh Sơn),...

img

Đài nước sạch Suối Le đã dừng hoạt động, do hụt nước

Ông Phan Quang Thựu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Thuận cho biết, tình hình hạn hán đang diễn ra cục bộ tại một số địa phương, nếu thời gian tới trời không mưa tiểu mãn thì nguy cơ hạn hán sẽ ảnh hưởng trên diện rộng.

img

Người dân thôn Suối Le (Phước Kháng) dùng can nhựa đi lấy nước sinh hoạt hàng ngày

Ông Trần Quý Dương - Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho hay, toàn xã có trên 300ha lúa và hoa màu, đã thu hoạch được 70%. Người dân hiện đang dốc lực ngày đêm đào ao, tìm nước cứu 30ha lúa và hoa màu còn lại.

img

Nắng nóng khắc nghiệt đã làm màu lông cừu đổi màu

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khẩn cấp. Đó là việc tập trung rà soát sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt. Triển khai tăng cường bảo vệ, di chuyển đàn gia súc ra khỏi vùng khô hạn và tiến hành tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp, dự trữ nguồn thức ăn trong mùa hạn hán kéo dài. Khuyến cáo người dân cần thực hiện giải pháp tưới nước tiết kiệm, tưới phun mưa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với khí hậu của địa phương.