Dân Việt

Chê lúa, hoa màu, dân Củ Chi đi gầy dựng tên tuổi cho rau dại

Trần Đáng 24/04/2018 13:45 GMT+7
Không chỉ chuyển đổi từ trồng lúa, hoa màu sang trồng rau dại, nông dân vùng đất anh hùng Củ Chi (Tp.HCM) còn hô hào xây dựng thương hiệu cây rau một thời bị bỏ hoang...

Sau mấy chục năm trồng lúa cho năng suất thấp, giá cả bấp bênh, ông Hồ Văn Hoàn (xã Trung An, Củ Chi, TP.HCM) quyết định chuyển 6ha đất sang trồng rau móp – một loại rau dại mọc hoang ven kênh, mương.

Lúa, hoa màu chào thua…

Theo ông Hoàn, việc trồng rau móp không chỉ “khỏe” hơn trồng lúa, mà còn thu nhập nhiều hơn trồng lúa vài lần. “Trồng rau móp chỉ lo làm cỏ, muốn năng suất cao hơn thì bón ít phân. Mỗi tuần vài ba bận thương lái đến tận nhà thu mua. Rau sau khi hái lại lên liên tục nên không lo trồng lại”- ông Hoàn thổ lộ.

Hiện tại xã Trung An có khá nhiều nông dân bỏ chăn nuôi, cây ăn trái chuyển sang trồng rau móp. Họ lên liếp chuyên canh trồng rau móp hoặc trồng xen canh trong vườn cây ăn trái. Với giá bán ổn định tại ruộng từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, thu nhập từ các cây trồng khác không bằng so với rau móp.

img

Rau dại được trồng trong nhà lưới tại ấp Gia Lộc (Trảng Bàng, Tây Ninh). ảnh: Trần Đáng

Bà Lê Thị Lan có gần 2ha đất vườn trồng cây ăn trái các loại… Số mương thoát nước trước đây bỏ hoang, giờ bà cải tạo lại để trồng rau móp nhằm tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, giờ rau móp lại là nguồn thu nhập chính của gia đình bà.

Theo bà Lan, trồng rau móp bỏ công chăm sóc rất ít. Trung bình 2 lần/tuần bà hái rau bán cho thương lái, mỗi lần khoảng 60kg. Trừ chi phí công hái, mỗi tháng bà Sinh thu nhập được cả chục triệu đồng từ rau móp.

Trong khi đó, tại xã Gia Lộc (Tràng Bàng, Tây Ninh), những năm gần đây từ gần 1ha trồng hoa màu, ông Ba Dỹ (Lê Văn Dỹ, ấp Lộc Trát) đã chuyển sang trồng rau dại, gồm khoảng 15 loại được thị trường rất ưa chuộng, như: Bứa, mặt trăng, lộc vừng, cách, bằng lăng nước, quế vị…

Theo ông Ba Dỹ, chục năm trước, các loại rau dại này ít ai biết tới, nhưng hiện nay nhiều quán ăn, nhà hàng ở Sài Gòn đã có mặt loại rau dại này. “Trồng loại rau dại này ít tốn công, không phân thuốc. Đặc biệt là thu nhập ăn đứt các loại hoa màu”- ông Ba Dỹ chia sẻ.

Tại ấp Gia Lộc giờ hình thành Tổ hợp tác (THT) rau rừng Lộc Trát chuyên canh loại rau dại này với khoảng chục thành viên. Ông Năm Thành (Trần Văn Thành) – một thành viên THT cho biết, giống các loại rau dại này là do các thành viên THT lên rừng tìm kiếm. “Nó rất dễ trồng và nhân giống. Đặc biệt, thị trường rất ưa chuộng nên giá khá cao”- ông Năm Thành cho biết.

Cũng theo ông Năm Thành, mỗi thành viên THT có thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng từ rau dại. Cứ vài ngày, THT lại cho thu hoạch rau dại rồi đưa đến bán cho thương lái tại địa phương, trước khi đưa đi tiêu thụ chủ yếu tại thị trường TP.HCM.

Xây dựng thương hiệu… rau dại

Ông Ba Dỹ cho biết, vừa qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho THT trồng rau dại. “Công ty TNHH Công nghệ NHONHO đánh giá kết quả rau rừng Lộc Trát đạt yêu cầu sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Công ty này đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận sản phẩm “rau cóc, rau quế vị, rau trâm ổi, rau lộc vừng, rau cách, rau mặt trăng, rau trâm sắn, rau chiếc, rau bí bái, rau chùm mồi, rau nhái, rau bứa” của THT rau rừng Lộc Trát là phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau quả tươi an toàn”- ông Ba Dỹ thông tin.

img

Ông Lê Văn Dỹ (trái) với khu vườn trồng rau dại. ảnh: Trần Đáng

Theo ông Năm Thành, mỗi thành viên THT có thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng từ rau dại. Cứ vài ngày, THT lại cho thu hoạch rau dại rồi đưa đến bán cho thương lái tại địa phương, trước khi đưa đi tiêu thụ chủ yếu tại thị trường TP.HCM.

Chưa dừng lại ở đây, theo ông Ba Dỹ, hiện THT đang tổ chức làm thương hiệu cho các loại rau dại này. “Dự tính, mỗi năm THT sẽ thu hoạch khoảng 10 tấn rau dại. Mặc dù, rau dại THT đã được thị trường biết đến, nhưng để nâng cao giá trị sản phẩm hơn nữa, chúng tôi đã làm thủ tục xin phép xây dựng thương hiệu cho các loại rau dại này”- ông Ba Dỹ chia sẻ.

Trong khi đó, Phòng Kinh tế huyện Củ Chi cũng cho biết, mục tiêu sắp tới địa phương sẽ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu riêng cho rau móp nhằm đưa loại rau dại này vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng trên địa bàn nhằm đưa rau móp trở thành thương hiệu, đặc sản của Củ Chi.

Với đề án "Chương trình quốc gia - Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2017 - 2020, theo Sở KHCN TP.HCM, sở đã cùng Phòng Kinh tế  huyện Củ Chi, UBND xã Trung An đang nghiên cứu vùng chuyên canh rau móp trên địa bàn. Từ năm 2018 sẽ triển khai ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu rau móp Củ Chi.

Song song đó sẽ hình thành hợp tác xã sản xuất rau móp, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn cơ sở, đào tạo, tập huấn cho nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau móp. Trên cơ sở đó kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân mở rộng thị trường, thu hút nhiều nhà đầu tư để phát triển sản xuất và kinh doanh.

Theo ông Hoàn, mặc dù có tiềm năng kinh tế lớn nhưng hiện rau móp vẫn chưa được nhiều người biết đến. Thị trường tiêu thụ rau móp chủ yếu trên địa bàn huyện và vùng lân cận, chưa phát triển rộng trên toàn thành phố và các tỉnh thành. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất rau móp còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa liên kết với nhau.

“Rau móp đang dần được thị trường yêu thích. Để rau móp phát huy hết hiệu quả kinh tế tôi nghĩ ngoài việc phải tổ chức lại sản xuất, việc xây dựng thương hiệu là hết sức quan trọng”- ông Hoàn thổ lộ.