Loay hoay lập vùng an toàn dịch bệnh
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, mặc dù đàn lợn đã tăng trưởng tới mức vượt cầu, song đến nay nước ta mới xuất khẩu (XK) được thịt lợn chính ngạch sang hai thị trường là Hongkong, Malaysia, với 2 loại sản phẩm là thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh. Năm 2016 sản lượng thịt lợn XK chỉ đạt 11.000 tấn, trị giá 100 triệu USD; trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng xuất khẩu đạt 10.600 tấn, trị giá 46 triệu USD.
Hiện cả nước mới chỉ có 8 cơ sở giết mổ XK, trong đó 6 cơ sở giết mổ XK sang Hongkong và 2 cơ sở giết mổ XK sang Malaysia.
Trong khi đó, đối với thịt gia cầm, hiện nay cũng mới có 2 doanh nghiệp (DN) đăng ký XK thịt gà đã qua chế biến sang Nhật Bản là Công ty TNHH Koyu & Unitek và Công ty TNHH CP Việt Nam.
Các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ xen lẫn với các khu chăn nuôi tập trung khiến công tác thú y, phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. ảnh: Internet
Lý giải vì sao sản lượng thịt lợn, thịt gà XK còn quá khiêm tốn, Bộ NNPTNT cho biết là do hiện này Việt Nam chưa có vùng và cơ sở ATDB được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Các tỉnh trọng điểm chăn nuôi lợn có nhiều cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn (như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Đồng Nai…), tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen, sản xuất không ổn định và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến việc hình thành các vành đai ATDB khó khăn vô cùng.
Đó là chưa kể, hầu hết cơ sở giết mổ lợn hiện nay chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, không có hệ thống sơ chế, chế biến sâu, bảo quản sản phẩm, cũng như chưa có chuỗi sản xuất thịt lợn có kiểm soát theo hình thức khép kín.
Dĩ nhiên không phải Bộ NNPTNT không nhìn thấy được điều này. Từ tháng 2.2015, Bộ đã phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng ATDB lợn tại Thái Bình, Nam Định, nhưng đến nay đề án gần như “dậm chân tại chỗ” vì các địa phương không có kinh phí đối ứng để triển khai.
Theo ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi thì đây là một nghịch lý. Các tỉnh mong muốn XK sản phẩm chăn nuôi, nhưng lại không muốn chi tiền cho công tác thú y. Trong khi đó ở nước láng giềng là Thái Lan, họ dành tới 4.000 tỷ đồng cho công tác thú y mỗi năm.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi cho biết, công ty của ông đã có 17 năm XK chính ngạch lợn sữa, lợn choai sang Hongkong, Malaysia. Thời gian đầu, sản lượng chỉ khoảng 1.000-2.000 tấn nhưng số lượng ngày càng tăng lên. Như năm 2017, mới nửa năm công ty đã XK được 4.000 tấn và đang chiếm khoảng 60% thị phần lợn sữa tại Hongkong.
“Mấu chốt và điều kiện tiên quyết để XK thịt lợn vẫn là phải đảm bảo ATDB. Nếu không đảm bảo điều kiện này, việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường của chúng ta cũng chỉ là vô nghĩa. Thị trường XK thịt lợn của chúng ta có nhiều khách hàng. Các đối tác đã sang làm việc với nước ta nhiều nhưng vẫn không thể XK được vì các nước nhập khẩu đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc từ vùng ATDB, và phải được OIE công nhận. Về điều này, hiện chúng ta bó tay” – ông Hoàng nói.
Cùng với việc chưa có vùng ATDB, theo Bộ NNPTNT, hiện nay chúng ta chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi tổng thể. Đối với quy hoạch giết mổ, hiện có 56/63 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt đề án về quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung. Theo đề án đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.431 cơ sở giết mổ lợn tập trung và 672 cơ sở giết mổ gà tập trung. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 249 cơ sở giết mổ lợn và 75 cơ sở giết mổ gà được đưa vào sử dụng.
Hai huyện Phú Giáo và Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả lợn theo Quyết định số 119/QĐ-TY-DT và Quyết định 120/QĐ-TY-DT. Ảnh: I.T
Doanh nghiệp muốn làm cũng khó
Theo yêu cầu về xây dựng vùng ATDB của OIE, nếu sử dụng vaccine lở mồm long móng thì tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 90% tổng đàn, đây là điều không thể bởi lực lượng thú y hiện quá mỏng, kinh phí quá lớn. Việc sử dụng vaccine lở mồm long móng cũng phải theo chỉ định của OIE. Trong khi virus lở mồm long móng hiện nay có tới 7 chủng, và vaccine cũng có 3-4 loại, vì thế nếu có tiêm phòng thì các tỉnh cũng chưa biết chọn loại vaccine nào. Ngoài ra, yêu cầu xây dựng vùng ATDB là phải đánh dấu nhận dạng gia súc tiêm phòng, với một số lượng lớn gia súc thì đây là điều vô cùng khó khăn, vượt quá sức của địa phương. |
Cũng theo ông Hoàng, DN muốn XK được thịt lợn phải đảm bảo được 2 vấn đề quan trọng nhất là ATDB và điều kiện vệ sinh nhà máy. Theo đó, nhà máy phải đảm bảo tiêu chuẩn rất cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ trang trại tới đóng gói bảo quản, như phải có có hệ thống dây chuyền khép kín, hệ thống bảo quản mát 2-6 độ C, hệ thống cấp đông nhiệt độ -45 đến -40 độ C, hệ thống kho bảo quản -20 độ C, khu giết mổ, chế biến…
Phía DN nhập khẩu sẽ thường xuyên cử đoàn chuyên gia đầu ngành về giám sát hoạt động tại nhà máy. Vì vậy, DN phải đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại mới có thể đáp ứng được các yêu cầu từ khách hàng.
Theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), để XK được thịt lợn, DN phải xây dựng đề án sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ thức ăn, con giống, tới thương phẩm đảm bảo ATDB, an toàn vệ sinh. Đồng thời, DN phải phối hợp với Cục Thú y để tìm khách hàng nước nhập khẩu...
Còn ông Nguyễn Đức Hoàng cũng cho rằng, không giống như các ngành hàng khác, riêng mặt hàng thịt gia cầm, thịt Nguyễn Đức thì thú y phải là đơn vị đi trước để mở đường, xúc tiến thương mại. “Nếu không có sự thống nhất giữa thú y hai bên thì mọi hoạt động xúc tiến của DN đều là vô nghĩa” - ông Hoàng nói.
Thực tế, nhiều DN chăn nuôi lớn trong nước có thể đáp ứng được yêu cầu này. Từ năm 2015, khi Nam Định (cùng với Thái Bình) được Bộ NNPTNT chọn thí điểm xây dựng vùng ATDB để phục vụ XK thì Công ty CP Thương mại và đầu tư Biển Đông đã mạnh dạn tham gia. Theo đó, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến đồ sộ với mục tiêu XK sản phẩm thịt lợn xẻ (block) sang các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Ông Vũ Trọng Nghĩa (đội mũ), GĐ Cty Biển Đông giới thiệu dây chuyền giết mổ - chế biến thịt lợn hàng trăm tỉ đồng nhưng chưa biết bao giờ có thể hoạt động. Ảnh: I.T
Kế hoạch của Công ty Biển Đông là sẽ xây dựng nhà máy với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xây dựng, lắp đặt dây chuyền giết mổ tự động, công suất 250 - 300 con lợn/giờ, kho dự trữ và công nghệ sản xuất thịt mát (công suất 5.000 tấn thịt). Giai đoạn 2, xây dựng, lắp đặt dây chuyền chế biến sâu với các sản phẩm như thịt hộp, xúc xích, dăm bông…
Được biết, đến nay giai đoạn 1 công ty đã hoàn thiện tới 80%, đổ vào hơn 100 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến hiện đại nhất của Hàn Quốc và đã có thể sẵn sàng đưa vào vận hành. Tuy nhiên, đến bao giờ công ty này XK được thịt lợn, và sản phẩm của họ có được XK hay không thì vẫn chưa có câu trả lời.
Ông Vũ Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty Biển Đông cho biết: Cùng với thị trường Trung Quốc khổng lồ, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay có nhu cầu thịt lợn vô cùng lớn bởi đặc thù khí hậu của họ quá lạnh, chi phí sản xuất quá cao, nhất là chi phí nhân công. Đây là cơ hội rất tốt cho ngành chăn nuôi Việt Nam để XK thịt lợn. Bản thân Công ty Biển Đông cũng đã tự tìm được đối tác nhập khẩu thịt lợn ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, để XK được, bắt buộc Việt Nam cần phải có hiệp định về thú y với Hàn Quốc.
“Thời gian qua, Cục Thú y đã nhiều lần về làm việc với chúng tôi để bàn hướng tháo gỡ, đàm phán thủ tục kiểm dịch. Yêu cầu của Hàn Quốc, Nhật Bản thì tỉnh Nam Định phải xây dựng được vùng ATDB được OIE công nhận, trong khi để làm được điều này, chắc phải mất vài năm nữa. Không lẽ DN chúng tôi đành bó tay ngồi chờ, để cơ hội vuột mất?” – ông Nghĩa nói.