Thuế là số tiền thu của các công dân, hoạt động và đồ vật (như giao dịch, tài sản). Đóng thuế vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ phải thực hiện của mỗi công dân.
Thuế được thu ở cấp quốc gia và địa phương, theo hai hình thức trực và gián thu. Cụ thể, thuế trực thu là thuế mà người, hoạt động, đồ vật chịu thuế và nộp thuế là một. Ví dụ, thuế thu nhập cá nhân, tài sản...
Thuế gián thu là thuế mà người chịu thuế và người nộp thuế không cùng là một. Chẳng hạn, chính quyền đánh thuế vào công ty nhưng công ty lại chuyển thuế này vào chi phí tính, tính vào giá hàng hóa và dịch vụ. Khi đó người tiêu dùng là nơi cuối cùng chịu thuế. Ví dụ: thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt...
Thuế thu nhập
Loại thuế này được quy định tại Luật Thuế thu nhập nhập cá nhân. Đối tượng nộp thuế này là cá nhân có mặt thường xuyên ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên, có nơi ở thường trú, tạm trú ở Việt Nam.
Các loại thu nhập chịu thuế gồm: Từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tiền lương, thù lao, các khoản phụ, trợ cấp, thưởng; thu nhập từ đầu tư vốn: Lãi cho vay, lợi tức cổ phần…; thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bất động sản; trúng thưởng; bản quyền; nhượng quyền thương mại; thừa kế…
Thuế tiêu thụ
Đây là loại thuế thu nhằm các mục đích đặc biệt như hạn chế tiêu thụ hàng hóa. Loại thuế này cũng có riêng một luật quy định là Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ban hành từ năm 1998, sửa đổi bổ sung các năm 2003, 2008, 2014, 2016.
Theo đó hàng hóa: Thuốc lá, rượu, bia, xe ôtô dưới 24 chỗ, xe máy, tàu bay, du thuyền, bài lá, hàng mã, hay các dịch vụ: kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, đặt cược, golf, xổ số… đều là đối tượng chịu thuế.
Thuế giá trị gia tăng (VAT)
Luật Thuế giá trị gia tăng định nghĩa đây là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Cũng theo nội dung Luật này, người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.
Có nhiều loại thuế mà người dân phải nộp cho Nhà nước. Ảnh: I.T
Lệ phí môn bài
Nghị định 139/2016 quy định, mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau: cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng mỗi năm nộp 1.000.000 đồng một năm; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng một năm đóng 500.000 đồng mỗi năm; đóng 300 ngàn đồng một năm nếu doanh thu trên 100 triệu đến 300 triệu.
Hơn 100 phí, lệ phí
Luật Phí và lệ phí 2015 định nghĩa Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công.
Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong.
Người nộp phí, lệ phí là tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước.
Tổ chức thu phí, lệ phí bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công.
Mức thu lệ phí được ấn định trước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí. Mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Hơn 100 loại phí, lệ phí được lập danh mục kèm theo trong Luật Phí, lệ phí thuộc nhiều lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, thủ sản, giao thông, xây dựng… Trong số này, đa số các loại phí, lệ phí người nộp là cá nhân.