Dân Việt

Mình về Hà Tĩnh - lời mời của người con Việt sống xa xứ

Nam Khánh 23/04/2018 17:30 GMT+7
Bằng chất liệu dân ca như hoà quyện trong mỗi ca từ, nhạc phẩm "Mình về Hà Tĩnh" của một người con Hà Tĩnh tại Đức đã gợi lên niềm khao khát và cả những nỗi niềm day dứt, tình cảm thiêng liêng, níu bước chân những người con Việt xa quê muốn quay trở về

img

Tác giả Phạm Khánh Nam và nhạc phẩm "Mình về Hà Tĩnh". Ảnh: Nam Khánh.

"Có thương, thì nghe em nhủ. Mình về Hà Tĩnh nghe anh. Về nghe câu ví dặm, mẹ ru em - À ơ ...”, là những ca từ mở đầu của tác phẩm Mình về Hà tĩnh, một giai điệu nhẹ nhàng được phát triển từ dân ca Nghệ Tĩnh như lời quê hương tha thiết thấm vào lòng người. Lời thơ của tác giả Phạm Khánh Nam, âm nhạc Phan Huy Hà đã mang tới cho người nghe thật nhiều cảm xúc, như nỗi khát khao của những người con sống xa quê hương vẫn luôn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, muốn được trở về trong miền ký ức của mỗi người. Ca từ của tác phẩm cũng là lời mời thiết tha dành cho tình yêu đôi lứa về với quê hương Hà Tĩnh.

Tác phẩm “Mình về Hà Tĩnh” ra đời bằng nỗi niềm và sự đau đáu nhớ về quê hương Hà Tĩnh nơi tác giả được sinh ra và lớn lên, đang được thu hút hàng triệu lượt nghe, hàng chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận trên các trang mạng xã hội hiện nay. Tác giả Phạm Khánh Nam tâm sự: "Là một người con Việt sống xa xứ, quê hương luôn là điểm tựa để mình lớn lên và phát triển nơi xứ người. Nỗi nhớ về quê hương đã làm cho tôi có những cảm xúc tràn trề để viết về tác phẩm Mình về Hà Tĩnh."

Được biết đến trong vai trò là Tổng biên tập của Tạp chí Hương Việt, Phạm Khánh Nam hiện đang sống tại CHLB Đức. Anh được sinh ra bên dòng sông Ngàn Phố - nơi có cảnh tình thơ mộng đã cho cảm hứng viết lên những ca từ lắng đọng gợi thương, gợi nhớ cho những người dẫu chưa một lần đặt chân đến Hà Tĩnh không chỉ niềm khao khát mà còn những nỗi niềm day dứt, tình cảm thiêng liêng, níu bước chân những người con xa quê quay trở về. Tác giả lời bài hát cho biết thêm: "Lời thơ không chỉ ca ngợi về nhữ​​ng phong cảnh thơ mộng của miền đất Hà Tĩnh mà còn gợi lại những ký ức quen thuộc như bụi chuối, buồng cau, bát nước chè xanh hay là trái cam bù đậm ngọt quê hương Hà Tĩnh."

Phần hai của tác phẩm tiếp nối các quãng đẩy dần lên cao, kết câu là nốt ngân dài tạo sự mênh mang vời vợi “Nước sông La đêm trăng gợn bạc, Khua mái chèo lặn lội cùng anh, Về nghe anh, về say câu ví quê nhà, Say hương bưởi thơm cam bù trái ngọt, Về đi anh, về thăm dòng sông Ngàn Phố, Mùa nước nổi vẫn êm đềm như khúc hát mẹ ru...".  Giai điệu viết ở giọng la thứ, âm nhạc kết trọn mà lòng day dứt mãi không nguôi. Những giai điệu, tiết tấu, âm sắc và ca từ ấy trong sáng tác “Mình về Hà Tĩnh” lại neo đậu trong trái tim của người dân xứ Nghệ nói riêng và khán giả yêu nhạc nói chung bằng chất liệu dân ca như hoà quyện trong mỗi ca từ.

Tác giả Phạm Khánh Nam cũng vui mừng khi có cơ duyên đã gặp nhạc sỹ Phan Huy Hà - người đã cùng đồng cảm và cảm hứng với anh để viết một giai điệu nhẹ nhàng, được phát triển từ dân ca Nghệ Tĩnh tha thiết thấm vào lòng người như lời trong tác phẩm nói về dòng sông Ngàn Phố: "Mùa nước nổi vẫn êm đềm như khúc hát mẹ ru".

MÌNH VỀ HÀ TĨNH

Lời:     Phạm Khánh Nam

Nhạc:  Phan Huy Hà

Có thương, thì nghe anh nhủ

Minh về Hà Tĩnh nghe em

Về nghe câu ví dặm, mẹ ru anh

À ơ ...

Về nghe em, nắng hè đất nẻ,

Gió Lào qua, bụi chuối, buồng cau.

Mời em bát nước chè xanh

Tình sâu nghĩa nặng quê anh nhớ về

Quê hương anh, đi mô mà nỏ nhớ

Hà Tĩnh ơi sâu nặng ân tình

Mình về Hà Tĩnh mình đi

Nghe câu hò tình quê dịu ngọt

Nước sông La đêm trăng gợn bạc

Khua mái chèo lặn lội cùng em

Về nghe em, về say câu ví quê nhà

Say hương bưởi thơm cam bù trái ngọt

Về đi em, về thăm dòng sông ngàn phố

Mùa nước nổi vẫn êm đềm như khúc hát mẹ ru.

img

Phạm Khánh Nam được cộng đồng kiều bào tại CHLB Đức biết đến trong vai trò là TBT Tạp chí Hương Việt  - một tờ báo tiếng Việt Online rất có uy tín tại CHLB Đức. Nội dung tờ báo là cây cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Đức, luôn cập nhật và đăng tải một cách nhanh nhất, chính xác và kịp thời nhất về các vấn đề thời sự, văn hóa xã hội của hai nước.

Hơn hai mươi năm sống, học tập và trải nghiệm trên đất khách, Phạm Khánh Nam là thế hệ cuối 8X vẫn nói chất giọng miền Trung trầm, ấm. Anh cho biết đấy cũng là một nét khác biệt để nhắc nhở bản thân luôn nhớ mình là người Việt Nam.