Dân Việt

Lại xảy ra hàng loạt vụ nông dân bẻ kèo hợp đồng với doanh nghiệp

Trần Đáng 26/04/2018 08:31 GMT+7
Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân được xem là mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhưng do DN “mua trả chậm” nên bà con nông dân Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Kim Kê Phát đành bỏ hợp đồng.

Liên kết “cửa trên”

Năm 2015, HTX chăn nuôi Kim Kê Phát (xã Phước Hậu, Cần Giuộc, Long An) ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm gà thịt với một DN tại TP.HCM. Bình quân mỗi ngày HTX cung cấp khoảng 500 - 600 con gà thịt cho DN này.

img

Thu hoạch trứng trong một trang trại chăn nuôi gà ở Long An. Ảnh: Trần Đáng

So với cùng kỳ năm 2017, hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa của tỉnh Long An đã giảm 5 mô hình, với diện tích gần 1.200ha.

Vừa qua, DN này thương thảo với HTX chuyển sang nuôi gà thảo mộc. Ngoài nhận con giống, hộ chăn nuôi phải nhận cám thảo mộc do DN này cung cấp. Tuy nhiên, sau khi tính toán, tất cả các thành viên HTX quyết định không tiếp tục ký hợp đồng nữa bởi giá cám thảo mộc đắt hơn cám loại thường tới 50.000 đồng/bao. Trong khi thời gian nuôi gà thảo mộc dài hơn gà ta nên người chăn nuôi không có lời và rủi ro cao.

Không chỉ thế, HTX Kim Kê Phát còn phải bỏ ra nhiều chi phí đầu vào và trả tiền theo kiểu “tiền trao, cháo múc” từ mua gà giống, cám. Nhưng ngược lại, sau khi giao gà thịt, bà con phải chờ đợi ít nhất một tuần, thậm chí lâu hơn mới được thanh toán tiền.

Ông Võ Văn Ba - Giám đốc HTX Kim Kê Phát chia sẻ, việc phá vỡ hợp đồng với DN là điều đáng tiếc nhưng HTX không thể làm khác. Bởi trong sản xuất, bất kỳ nông dân nào cũng đều mong muốn có hình thức liên kết mà cả DN và người chăn nuôi cùng hưởng lợi. “Nếu tiếp tục ký kết hợp đồng với DN này, HTX không có lợi nhuận” - ông Ba khẳng định.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Ơn (xã Thuận Thành, Cần Giuộc) - một hộ chăn nuôi gà đẻ trứng với số lượng 11.000 con cho biết, trước đây ông ký kết hợp đồng và bán trứng cho một DN của TP.HCM, nhưng giờ đã phải ngừng hợp đồng.

Giải thích về lý do ngừng hợp đồng, ông Ơn cho rằng, thông thường phải sau khi mua trứng 20 ngày DN mới thanh toán tiền qua ngân hàng. “Trong khi đó, tôi mua thức ăn cho gà thì phải trả tiền ngay mới được nhận cám” - ông Ơn nói. Hiện, ông Ơn bán trứng cho thương lái, cứ sau 2 ngày là nhận được tiền và tiếp tục quay vòng vốn.

Không chỉ trong chăn nuôi, sản xuất lúa cũng đang gặp vấn đề lớn trong liên kết sản xuất khi DN mua lúa trả chậm. Ông Nguyễn Văn Thể - một nông dân trồng lúa ở xã Tân Đông (Thạnh Hóa) sau thời gian tham gia mô hình cánh đồng lớn nay đã rút đất ra khỏi mô hình. “Trước đây, khi thu hoạch lúa bán cho thương lái tui thu tiền liền để còn trả vật tư nông nghiệp đã mua chịu. Giờ tham gia cánh đồng lớn, bán lúa cho DN phải chờ đợi cả tháng mới nhận được tiền. Liên kết như vậy là không ổn, rất khó cho nông dân” - ông Thể chia sẻ.

img

Thương lái thu mua lúa trên đồng cho nông dân. Ảnh: Trần Đáng

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết, Sở đang tiếp tục phối hợp cùng Sở Công Thương tìm kiếm, kết nối giữa hộ chăn nuôi và DN; làm cầu nối để DN đến gần hơn với hộ chăn nuôi, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn khép kín, chủ động kiểm soát chất lượng, đảm bảo kết nối tiêu thụ ổn định cả về số lượng và giá cả…

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, so với cùng kỳ năm 2017, hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa đã giảm 5 mô hình, với diện tích gần 1.200ha. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do DN và nông dân không thống nhất được về giá thu mua và phương thức thanh toán.

“Tiền trao, cháo múc!”

Theo Sở Công Thương Long An, tỉnh Long An là địa phương có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt nhiều loại nông sản cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có đến 87% lượng nông sản hàng hóa được tiêu thụ qua thương lái.

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng nỗ lực kết nối giữa hộ chăn nuôi và DN, nhưng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vẫn chưa cho kết quả khả quan, do đôi bên không thương thảo được hình thức mua bán, giá cả.

Sở NNPTNT tỉnh Long An nhìn nhận, hiện các mối liên kết thành công và bền vững chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn hạn chế so với tiềm năng. Có nhiều hợp đồng bị phá vỡ do hộ chăn nuôi không tìm thấy lợi nhuận, việc mở rộng, phát triển còn gặp nhiều khó khăn.

Đại diện một DN thu mua heo hơi ở TP.HCM cho biết, DN đã có nhiều cuộc thương thảo với hộ chăn nuôi heo hơi tại Long An nhưng bất thành. Bởi hộ chăn nuôi không chấp nhận mua bán hàng hóa theo phương thức thanh toán hiện đại, như: Chuyển khoản qua ngân hàng, thời gian giao hàng, quy trình kiểm tra chất lượng, giá…