Dân Việt

Lâm Đồng: Gần 500 đơn vị nợ tiền bảo hiểm

25/11/2011 14:59 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 24.11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong 449 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp còn nợ các khoản bảo hiểm (BHXH, bảo hiểm y tế - BHYT và bảo hiểm thất nghiệp – BHTN) thì hiện có 5 doanh nghiệp bị kiện ra tòa, và cả 5 đơn vị này đều đứng chân trên địa bàn TP. Bảo Lộc.

Nếu tính nợ BHXH bắt buộc từ 3 tháng trở lên thì hiện Lâm Đồng có đến 449 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp còn nợ số tiền lên đến 16 tỷ đồng; bên cạnh đó, nếu tính nợ BHXH dưới 3 tháng thì cả tỉnh còn có thêm hàng trăm đơn vị “nợ thêm” 14 tỷ đồng.

img
Người lao động cần được đóng bảo hiểm đầy đủ để quyền lợi của họ được đảm bảo.

Với riêng 5 đơn vị bị BHXH tỉnh Lâm Đồng chính thức phát đơn kiện ra tòa (TAND TP. Bảo Lộc) thì 3 khoản BHXH, BHYT và BHTN của các đơn vị này tính đến cuối tháng 10.2011 cũng lên đến gần 3 tỷ đồng. Cụ thể, đơn vị nợ BHXH, BHYT và BHTN lớn nhất bị khởi kiện ra TAND TP.

Bảo Lộc đầu tiên là Công ty TNHH SXKD hàng xuất nhập khẩu Nam Phương (54 Nguyễn Khuyến, Bảo Lộc) có ngành nghề chính là dệt len xuất khẩu còn nợ gần 30 tháng bảo hiểm các loại của hơn 120 lao động với số tiền lên đến trên 1,1 tỷ đồng.

Tiếp đến là VIKOTEX (Công ty sản xuất lụa tơ tằm Bảo Lộc) còn nợ gần 800 triệu đồng, Công ty TNHH Bá Thiên nợ hơn 661 triệu đồng, Công ty cổ phần Tơ tằm Á Châu nợ hơn 207 triệu đồng và ít nhất là Công ty cổ phần Tơ lụa Đông Lâm còn nợ 122 triệu đồng.

Theo ông Huỳnh Tấn Chỉ - Phó GĐ BHXH Lâm Đồng, việc nộp đơn khởi kiện các doanh nghiệp này ra tòa án là chuyện “chẳng đặng đừng”; vì không muốn việc nợ bảo hiểm trở thành một tiền lệ xấu ở Lâm Đồng.

Ngoài những “con nợ” kếch sù này, một hiện tượng khá “lạ” ở Lâm Đồng đáng lưu ý nữa là, có không ít đơn vị chỉ có một vài lao động nhưng tiền nợ bảo hiểm cứ kéo dài hết tháng này sang tháng khác với số tiền nợ thực ra không quá lớn. 

“Điển hình” như DNTN Hợp Tiến ở Đức Trọng chỉ có 1 lao động đóng bảo hiểm bắt buộc nhưng có đến hơn 45 tháng nợ bảo hiểm với số tiền lên đến hơn 8,3 triệu đồng.

Tương tự, Công ty TNHH Nam Phương (Đà Lạt) cũng chỉ có 1 lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm nhưng đơn vị này có đến gần 50 tháng nợ và số tiền nợ lên đến 13,4 triệu đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dây dưa này là theo quy định thì vẫn còn những kẽ hở để cho các doanh nghiệp khai thác, chây ỳ trong thực hiện nghĩa vụ.

Kẽ hở đó là: Theo quy định, việc nợ tiền BHYT chỉ bị phạt với lãi suất ở mức 10,5%/năm; nợ BHXH còn thấp hơn thế - chỉ 8%/năm. So với lãi suất ngân hàng, mức này thấp hơn nhiều nên không ít doanh nghiệp đã ngấm ngầm chấp nhận “thà là nợ tiền bảo hiểm còn hơn là đi vay ngân hàng” như cách nói không công khai của nhiều chủ doanh nghiệp.