Dân Việt

Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm bán tàu bay nên tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn

Nam Sơn 26/04/2018 13:30 GMT+7
Trả lời cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018 ngày 26.4, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo của Công ty CP Hàng Không Vietjet - Vietjet Air (Mã VJC) cho biết lý do chính lợi nhuận kế hoạch 2018 tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu là do tăng mua và giảm bán tàu bay so với năm 2017.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết doanh thu và lợi nhuận của hãng đến từ hai hoạt động là vận tải hàng không và các thu nhập khác.

Năm 2018, mục tiêu cho doanh thu vận tải hàng không đạt 1,4 tỷ USD, tăng 40%; lợi nhuận ước đạt khoảng 120 triệu USD, tăng hơn 30% so với năm 2017. Còn doanh thu khác năm 2018 không tăng tương ứng vì doanh thu trong hoạt động này đến chủ yếu từ việc bán tàu bay. Năm 2018, VJC có ý định mua thêm 17 tàu bay nhưng bán ra 14 tàu bay, chỉ giữ lại sở hữu khoảng 3 tàu bay. Nếu công ty bán thêm tàu bay thì sẽ có thu nhập tương ứng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng cho biết không có ý định mở các hãng hàng không 4 sao, 5 sao như Vietnam Airlines, do VJC hoạt động theo một mô hình khác hoàn toàn hãng hàng không quốc gia. Hãng sẽ quan tâm nhiều hơn giá trị gia tăng tạo ra cho khách hàng, cổ đông, không thi đua về tiêu chuẩn, nâng hạng như các hãng hàng không khác.

Năm 2017, Vietjet Air đạt gần 42.303 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 45 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5.074 tỷ đồng, vượt 150% kế hoạch và tăng 103% so với năm trước.

Cũng trong năm 2017, Vietjet đã bổ sung thêm và đưa vào khai thác 17 tàu bay mới A321, tăng số lượng tàu bay lên 51 tàu (24 tàu bay A320 và 27 tàu bay A321). Số lượng hành khách được vận chuyển cũng tăng gần 22% lên 17,11 triệu lượt. Công ty đã mở rộng khai thác thêm 1 đường bay nội địa và 21 đường bay quốc tế, nâng số đường bay khai thác lên 38 đường bay quốc nội và 44 đường bay quốc tế; đồng thời thực hiện được 98,805 chuyến bay trong năm qua. Thị phần của Vietjet đạt 43% vào cuối năm 2017.

img

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Vietjet Air trả lời cổ đông 

Năm 2018, VJC dự kiến nâng tổng đội tàu bay lên 66 chiếc, với hơn 120.000 chuyến bay, vận chuyển hơn 24 triệu hành khách. Với kịch bản trên, VJC đặt kế hoạch doanh thu đạt 50.970 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.806 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,5% và 9,5% so với năm 2017.

Vietjet cũng có lên kế hoạch tập trung mở rộng mạng bay quốc tế, mở rộng đường bay tới các nước khu vực Bắc Á và Đông Nam Á, tiếp tục mở rộng hợp tác liên danh hay hợp tác interline với các hãng hàng không có các đường bay đi Châu Âu, Châu Mỹ; nghiên cứu khả thị thị trường Úc, khai thác các thị trường mới như Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ... Công ty kỳ vọng năm 2019 sẽ bùng nổ ở thị trường Nhật Bản.

Nguyên nhân hãng tập trung mở rộng đường bay quốc tế vì chi phí cho các đường bay quốc tế lại thấp hơn vì giá xăng dầu ở nước ngoài thấp hơn hơn 30% so với Việt Nam, trong khi chi phí nhiên liệu lại chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của công ty. Ngoài ra, Vietjet còn có thêm thu nhập khác từ các hoạt động như bán hàng miễn thuế,… Do vậy, lợi nhuận trên đường bay quốc tế bình quân cao hơn 20% so với nội địa.

img

Kế hoạch kinh doanh của VJC năm 2018

Đối với thị trường nội địa, Vietjet sẽ mở rộng mạng lưới phát triển đường bay từ các căn cứ chiến lược như Hải Phòng, Cam Ranh, Đà Lạt.

Trả lời cổ đông về việc kế hoạch kinh doanh của hãng dựa trên kịch bản giá dầu bao nhiêu, đại diện VietJet Air cho biết kế hoạch kinh doanh của VJC xây dựng trên kế hoạch giá dầu thô bình quân là 70 USD/thùng. Đồng thời hãng này đang làm việc với 3 ngân hàng về nghiệp vụ bảo đảm (Hedging) nhằm kiểm soát giá nguyên liệu khi giá dầu đang ở mức 65 USD/thùng. 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo thì xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong chi phí đầu vào của hãng nên VJC đã hình thành mối quan hệ đối tác chiến lược với các tập đoàn xăng dầu. VJC đã cùng các đối tác hợp tác đưa tỷ lệ hao hụt nạp xăng dầu từ 2% xuống mức rất thấp. VJC thiết lập quan hệ chiến lược với không chỉ các tập đoàn xăng dầu Việt Nam, mà còn cả các tập đoàn xăng dầu nước ngoài.

Vietjet Air cho biết đang tập trung vào dự án Học viện Hàng không tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn để đưa vào hoạt động trong năm 2018 với hệ thống buồng lái mô phỏng hoàn chỉnh, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không. Các dự án đầu tư mới và cải tạo các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Cát Bi, Chu Lai, Tuy Hòa,… vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.