Dân Việt

"Dân có tiền mua vàng, nhưng nhà nước có quyền huy động"

25/11/2011 08:24 GMT+7
Dân Việt - Trong phiên chất vấn, Thống đốc NHNN bày tỏ: “Dân có tiền mua vàng, nhưng nhà nước có quyền huy động để phục vụ lợi ích dân sinh. Vì lợi ích quốc gia, người dân cũng phải hy sinh lợi ích của mình”.

Sau phiên chất vấn còn dang dở chiều qua, mở đầu phiên sáng nay 25.11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tiếp tục đăng đàn nhận và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Đầu phiên sáng nay, 25.11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tiếp tục đăng đàn trả lời câu hỏi của các đại biểu. Mở đầu phần trả lời, Thống đốc khẳng định: Dù có trả lời trực tiếp hay không đủ thời gian trả lời tại hội trường thì NHNN cũng sẽ có trả lời từng đại biểu bằng văn bản.

img
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội, sáng 25.11

Xung quanh vấn đề về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trả lời câu hỏi đại biểu Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) cùng một số chất vấn của đại biểu khác, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Phương châm tái cấu trúc là làm đến đâu chắc đến đó. Chính vì vậy, giải pháp NHNN là sẽ phân nhóm hệ thống ngân hàng Việt Nam thành ba nhóm chính.

Thứ nhất là nhóm ngân hàng tài chính lành mạnh có đủ sức cạnh tranh và làm trụ cột. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có 15 tổ chức tín dụng như vậy trong đó có từ một đến hai tổ chức tín dụng có tầm quốc tế.

Thứ hai là nhóm ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhưng quy mô nhỏ, không có nhu cầu phát triển lớn hơn nữa sẽ có quy định đảm bảo phân khúc thị trường cho nhóm này hoạt động tốt.

Thứ ba là nhóm tổ chức tín dụng có tình hình tài chính khó khăn, có thể thay đổi cổ đông, nâng cao chất lượng cổ đông hoặc cho sáp nhập vào các tổ chức khác để không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng gửi tiền.

Đối với từng nhóm sẽ áp dụng những tiêu chí hoạt động phù hợp để phát triển lành mạnh.

Về lộ trình cụ thể, Thống đốc cho biết: Từ nay đến hết quý I.2012, NHNN sẽ định hình xong ba nhóm ngân hàng trên. Từ quý II.2012 đến hết 2013 sẽ hoàn thành củng cố nhóm ba. Từ năm 2013 sẽ quay lại củng cố xây dựng tập trung cho nhóm ngân hàng lành mạnh. Và đến năm 2020, hệ thống ngân hàng tiếp tục được tái cấu trúc và đặt mục tiêu có thêm bốn tổ chức tín dụng thuộc nhóm đầu.

Trình bày rõ về giải pháp đối với các tổ chức tín dụng yếu kém thời gian tới, Thống đốc cho biết: Hiện tại số tổ chức tín dụng yếu kém chỉ chiếm 5%, nên chủ trương của NHNN là sẽ phát huy nội lực để tái cấu trúc nhóm này. Dùng nội lực của nhóm mạnh tái cấu trúc cho nhóm nhỏ. “Ngân hàng Mỹ có thời điểm phải bỏ ra hàng nghìn tỷ USD để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh nước ta còn khó khăn, thì chúng ta phải thắt lưng buộc bụng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Về chất vấn của các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Trần Du Lịch (TP.HCM)… xung quanh vấn đề lãi suất có lợi cho ngân hàng lớn, và trách nhiệm của lãnh đạo NHNN, Thống đốc NHNN trả lời: Luật Ngân hàng hiện nay cho phép NHNN được phép ấn định trần lãi suất cho vay và huy động.

NHNN không có chủ trương tạo mối lợi cho ngân hàng nào, bất kể lớn hay nhỏ trong khi đưa ra các chính sách liên quan đến lãi suất. “Tuy nhiên, đã là ngân hàng lớn đương nhiên có lợi thế”, Thống đốc khẳng định. Nhưng ngân hàng nhỏ không hẳn đã gặp khó khăn, bởi nếu tình hình tài chính lành mạnh sẽ chẳng ảnh hưởng gì.

Thay mặy lãnh đạo NHNN tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc đã thẳng thắn thừa nhận các chế tài để thực hiện trần lãi suất của NHNN thời gian qua chưa nghiêm. Cụ thể hơn, Thống đốc thừa nhận yếu kém trì trệ của hệ thống thanh tra NHNN, vì đã có hàng nghìn cuộc thanh tra mà không phát hiện ra vi phạm nào, đây cũng là trách nhiệm của lãnh đạo NHNN.

Xung quanh chất vấn của các đại biểu về cơ chế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, Thống đốc giải trình cụ thể: Nhìn lại vấn đề quản lý về hoạt động kinh doanh vàng của chúng ta, thấy còn bất cập. Nhiều quy định lớn cho phép NHNN quản lý hoạt động, nhưng văn bản dưới luật lại không như vậy. “Cùng một thỏi vàng 25kg, chạy qua máy dập ra vàng miếng thì hai cơ quan quản lý khác nhau vì đầu này là vàng nguyên liệu còn đầu kia là vàng hàng hóa”, Thống đốc dẫn chứng.

Hơn 12.000 cửa hàng được thỏa sức kinh doanh vàng. Khi vàng thế giới không biến động, thị trường vàng trong nước trầm lắng. Nhưng từ năm 2008 đến nay, thị trường thế giới biến động nên thị trường trong nước cũng bất ổn. Khi bất ổn thì nhìn lại mới thấy hệ thống pháp luật quản lý bấp cập. Hiện NHNN đang xây dựng Nghị định quản lý vàng, trên quan điểm: Khuyến khích sản xuất chế tác vàng trang sức, siết lại hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngoại hối, vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN luôn bảo vệ tuyệt đối quyền của người dân được mua bán vàng, đảm bảo khả năng sinh lãi.

Nhưng Thống đốc cũng bày tỏ quan điểm: “Dân có tiền mua vàng, nhưng nhà nước có quyền huy động để phục vụ lợi ích dân sinh. Vì lợi ích quốc gia, người dân cũng phải hy sinh lợi ích của mình”. Nghe câu trả lời của Thống đốc, dưới hội trường nhiều đại biểu bật cười.

Về nợ xấu của hệ thống ngân hàng, lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu hiện là chuyên gia kinh tế, giảng viên các trường kinh tế như đại biểu Trần Du Lịch, Trần Hoàng Ngân,… Thống đốc cho biết cụ thể: Nợ xấu đầu năm 2011 là 2,14%, hiện nay là 3,3%, cuối năm dự kiến là 3,8%. “Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản không phải là nguyên nhân của việc thiếu vốn”, Thống đốc khẳng định.

“Nói nợ xấu của ngân hàng thực tế lớn hơn nhiều mức công bố không hẳn như vậy. Vì phải xét theo tiêu chí nào bởi tiêu chí của thế giới rất nhiều nội dung. Mình đang theo chuẩn kế toán của mình”, Thống đốc giải thích. Câu trả lời của Thống đốc tiếp tục khiến các đại biểu mỉm cười.

Dường như chưa thật sự bằng lòng với phần trả lời của Thống đốc, nhiều đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi lần thứ hai. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) xoáy mạnh vào câu hỏi yêu cầu Thống đốc làm rõ sự chi phối của các ngân hàng lớn trong hệ thống các ngân hàng hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) mặc dù ghi nhận sự thẳng thắn của Thống đốc trong việc nhận trách nhiệm khi để tồn tại quá lâu tình trạng vượt trần lãi suất huy động, nhưng đại biểu Học chất vấn đến cùng “liệu đã có ai bị xử lý, phê bình hay chưa khi để lãi suất vượt trần gây ảnh hưởng cho nhiều doanh nghiệp, khiến họ thậm chí phá sản".

Cũng cùng nội dung chất vấn với đại biểu Học, nhưng đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận) tiếp cận câu hỏi từ góc độ khác. Đại biểu Kỷ cho rằng: Thống đốc công bố thông tin thời gian qua đã có hàng nghìn cuộc thanh tra mà không phát hiện ra trường hợp vi phạm nào. Như vậy, việc những vụ việc gần đây khiến ngân hàng mất cán bộ, ngân hàng mất tiền cũng là tiền của dân, giảm lòng tin đối với dân, thì trách nhiệm thuộc về ai?