Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển, hơn 2.200 ha ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) là một địa danh nổi tiếng bậc nhất và cũng là điểm thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Việt Nam.
Do độ dốc lớn, ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp (chỉ được vài đường bừa), độ chênh từ thửa ruộng trên với thửa ruộng dưới từ một đến một mét rưỡi, trong khi đòi hỏi mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân lúa phải đồng đều, sao cho khi có nước vào thì một bậc thang đều có cân bằng sóng. Vì vậy, khi san ruộng người Mông dùng cuốc bướm cào thành bờ đất, dùng chân dẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh nén chặt bờ. Trong ảnh: "Mâm xôi" huyền thoại ở Mù Cang Chải (Yên Bái)
Các điểm đón nước cho ruộng được lấy từ các nguồn khe phía trên, nếu vượt qua điểm trũng thì dùng cây to bổ đôi, khoét ruột làm máng dẫn nước. Để tạo đường đồng mức cho từng mảnh ruộng, đồng bào dùng nước làm một đường cân bằng sóng, chỗ trũng thì dùng cuốc bướm cào bằng thêm; chỗ cao thì san bớt lên bờ, vì vậy cả thửa ruộng quanh quả đồi đều có nước và độ cao giống nhau, tạo ra các bậc thang đều khắp.
Vẻ đẹp khó tin của ruộng bậc thang Mù Cang Chải khi nhìn từ đèo Khau Phạ.
Từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng như những nét vẽ mềm mại, xanh mướt, vô cùng nên thơ và độc đáo.
Ngay trong cách chia nước, đồng bào Mông chỉ sẻ nước từ bờ trên xuống bờ dưới theo cách không nối liền mạch (thửa đầu sẻ đầu bờ thì thửa dưới phải sẻ ở giữa bờ, thửa kế tiếp sẻ đường nước thoát ở cuối bờ) nhằm hạn chế tối đa khi mưa lũ tạo dòng chảy mạnh gây vỡ bờ và rửa trôi hết màu. Hình ảnh ruộng bậc thang ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát (Lào Cai).
Ruộng lẫn trong mây tạo thành khung cảnh nên thơ, đẹp lạ lùng ở Y Tý (Bát Xát - Lào Cai).
Tranh thủ những ngày mưa xuống, đất tơi mềm, người dân xã Dền Sáng (Bát Xát - Lào Cai) đưa trâu ra ruộng để cày ải.
Từng lớp nối nhau như những con sóng xô, ruộng bậc thang thực sự là hình ảnh vô cùng đẹp đẽ và đặc trưng của núi rừng Tây Bắc