Kết quả xếp hạng các địa phương về triển khai công tác an toàn thực phẩm năm 2017 có thể khiến ai nhìn vào đó cũng hài lòng khi có 13 tỉnh nằm trong nhóm các địa phương làm tốt gồm: Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Sơn La, Quảng Bình, Đồng Nai, Lai Châu, Bình Phước, Quảng Ninh; các địa phương còn lại đều đạt yêu cầu. Nhưng thực tế, vấn đề an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Thực tế, năm 2017, vẫn có 35.759 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 61 tỷ đồng. Trong năm này, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%.
Niêm phong các mẫu ớt bột khô đưa đi kiểm nghiệm. Ảnh: TN.
Số tiền phạt vi phạm ATTP trong hoạt động kinh doanh nông lâm thuỷ sản là trên 80 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 13.540 vụ phạt trên 27,7 tỷ đồng, thu giữ tang vật trên 25 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện 6.477 vụ việc, tăng 25% so với năm 2016, xử phạt 36 tỷ đồng, khởi tố, điều tra các vụ việc nghiêm trọng.
Đơn cử như tại TP.Hồ Chí Minh, 100% mẫu ớt bột được thu thập đều nhiễm chất Aflatoxin, chất có thể gây ung thư gan. Cụ thể, Viện Pasteur đã tiến hành thu thập ngẫu nhiên 48 mẫu ớt khô dạng bột (trong đó có 45 mẫu không nhãn mác) tại các chợ và tiệm tạp hóa ở 5 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu, kết quả cho thấy 100% mẫu có chất Aflatoxin.
Bên cạnh đó, qua khảo sát, Viện Pasteur cũng phát hiện 100% mẫu kiểm tra (150/150 mẫu) gồm thịt gà, vịt, heo đều nhiễm vi khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép. Các mẫu thịt này được lấy ở các chợ trên địa bàn 5 tỉnh, thành: TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước.
Ngoài ra, thực hiện xét nghiệm trên 147 mẫu thủy hải sản tươi sống, kết quả cũng chỉ ra 63,9% mẫu (94/147 mẫu) nhiễm vi khuẩn E.coli, trong đó có 24 mẫu nhiễm E.coli ở mức độ nặng.
Ngay trong quý I/2018, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ NNPTNT đã tổ chức hàng loạt đợt thu thập mẫu thực phẩm và nông sản để giám sát kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Theo đó, Bộ đã thử nghiệm trên 145 mẫu thịt và 678 mẫu nước tiểu trong các sản phẩm chăn nuôi để phát hiện xem có chất cấm hay không nhưng không có mẫu nào dương tính với chất cấm salbutamol. Khi kiểm tra 418 mẫy thịt các loại chỉ phát hiện duy nhất 1 mẫu vi phạm chỉ tiêu hoá chất kháng sinh nhưng có 130 mẫu trong 949 mẫu thịt kiểm vi phạm chỉ tiêu vi sinh.
Tỷ lệ mẫu rau củ quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép cũng chỉ có 3 mẫu trong tổng số 594 mẫu được kiểm tra. Tỷ lệ mẫu thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất kháng sinh là 24/819 mẫu.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm- nông thuỷ sản thì những vi phạm được phát hiện nhiều hơn. Theo đó, đã có 5 doanh nghiệp kinh doanh nông thủy sản bị xử phạt hành chính với số tiền 210 triệu đồng; 18 doanh nghiệp thú y bị xử phạt với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng vì vi phạm an toàn thực phẩm.
Rõ ràng, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các chuỗi sản xuất – cung ứng an toàn (hiện cả nước đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó có 379 chuỗi đã được giám sát, xác nhận; 20 địa phương triển khai dán tem điện tử) thì việc tăng cường thanh kiểm tra đột xuất, có chế tài xử lý thật nghiêm các cơ sở vi phạm cũng là việc cần làm.
Cơ quan thanh tra của Bộ NNPTNT cũng đã thanh tra xử lý một cơ sở chế biến xúc xích của tỉnh Thái Bình, xử phạt 64 triệu đồng và buộc doanh nghiệp phải tiêu hủy 600 con gà, 1.500kg xương heo, 200kg mỡ heo, 700kg da gà, 500kg bì heo và 240kg phụ gia thực phẩm quá hạn; xử phạt 132 triệu đồng với 4 cơ sở tiêm thuốc an thần vào heo tại TP.Hồ Chí Minh; xử phạt 32 triệu đồng với 2 cơ sở bơm nước vào heo tại Quảng Nam và Tiền Giang. |