Dân Việt

Trồng mít "lạ" trên đất dốc, trước bị kêu ngốc, sau lại được khen

Hà Hoàng - Văn Chiến 29/04/2018 07:30 GMT+7
Anh Nguyễn Văn Bắc sinh năm 1982 tại bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La trồng hơn 130 cây mít Thái đã cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Còn nhớ, hồi đầu anh Bắc trồng mít Thái bị kêu là ngốc bởi trước nay trong xã chưa có ai trồng mít trên đất dốc, lại là giống mít lạ-mít Thái.

Tại xã Chiềng Pằn, gia đình anh Nguyễn Văn Bắc là hộ đầu tiên tiên phong trồng mít Thái trên đất dốc, đem lại nguồn thu nhập cao.

Anh Bắc kể, đầu năm 2013, trong một lần đi thăm người bạn ở xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, thấy cây mít Thái trong vườn người bạn sai trĩu quả. Anh Bắc rất tâm đắc và xin bạn 50 cây mít giống về trông thử tại vườn. Sau một thời gian trồng thấy cây mít Thái rất hợp với vùng đất và phát triển rất tốt. Anh Bắc quyết định nhân rộng mô hình mít Thái nên đã hỏi  mua số lượng lớn cây giống về trồng trên diện tích 1.6ha nương, vườn sau nhà.

img

Cây mít Thái hiện nay là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Nguyễn Văn Bắc.

Trước khi trồng mít Thái, anh Bắc đã trải qua một thời gian trồng rau sạch, nên ít nhiều đã am hiểu về cách tưới tiêu, kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Bên cạnh đó, anh còn lên các trang mạng internet và tìm đọc thêm tài liệu nâng cao kiến thức về chăm sóc cây trồng. Vì vậy, từ khi trồng mít Thái đến giờ, vườn mít nhà anh luôn xanh mượt và cho sai trĩu quả, ít bị sâu bệnh.

img

Anh Bắc đang trao đổi kỹ thuật chăm sóc với cán bộ khuyến nông xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu

Chia sẻ với Dân Việt, anh Bắc cho biết: Để cây mít Thái sinh trưởng và phát triển tốt, tôi thường dùng phân ủ trong khoảng 1tháng và trộn với NPK theo tỷ lệ khuyến cáo trên bao bì. Về khâu khâu chăm sóc cây mít Thái, tôi làm cỏ bằng tay và dùng máy sới cỏ, hoàn toàn không dùng thuốc hóa học hay thuốc trừ cỏ. Khi cây mít Thái cao khoảng 1m5 – 2m là đến lúc mít ra hoa và cho ra quả, trọng lượng trung bình mỗi quả từ 8 - 15 kg/quả.

Theo anh Bắc trồng mít Thái cầu kỳ hơn so với các loại cây trồng khác. Nếu chăm sóc không tốt thì sẽ bị sâu đục quả và bệnh nấm vi khuẩn, đốm lá... Để tránh tình trạng đó, người trồng phải theo dõi, giám sát thường xuyên vườn cây và dùng vôi bột quét lên thân cây và cuống quả. Sau đó kết hợp bón phân hữu cơ cân đối, không nên dùng thuốc trừ cỏ hoặc thuốc hóa học trong khâu chăm sóc. Loại mít Thái này cho ra quả quanh năm, quả sai, múi to, vỏ mỏng, thơm ngọt...được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

img

Nhờ cách tưới tiêu và chăm sóc tốt, vườn mít Thái của anh Bắc cho sai trĩu quả

Hiện tại, trong vườn anh Bắc có hơn 130 cây mít Thái đang chờ đến ngày thu hoạch quả. Đặc điểm của cây mít Thái khác với với một số loại mít địa phương ở chỗ: Từ lúc ra hoa đến khi quả chín là tròn 4 tháng, khi sắp chín thì tỏa mùi thơm như sầu riêng, đem hái từ cây về nhà ủ khoảng 3 ngày thì bắt đầu ăn được. Mít Thái có hạt bé, múi to, giòn, ngọt và vàng như nghệ...

img

Hàng ngày Bắc đều xuống vườn kiểm tra, theo dõi quá trình phát triển của vườn mít Thái, để đề phòng sâu bệnh.

Anh Nguyễn Văn Bắc cho biết: Từ khi trồng mít Thái đến giờ, tôi thấy cây mít Thái có quả từ gốc cho đến ngọn và cho ra quả quanh năm. Quả nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào quá trình chăm sóc bấm tỉa cành, tưới tiêu và tay nghề của nhà vườn.Trung bình 1 cây mít Thái, tôi có thể thu được từ 35 – 40 kg quả. Hiện nay, mít Thái có giá bán trên thị trường giao động từ 30 - 40.000 đồng/kg tùy theo mua vụ. Sau khi trừ chi phí mỗi năm, gia đình tôi có lãi hơn 150 triệu đồng. "Bây giờ thì đâu có ai kêu tôi ngốc nữa đâu. Nhiều hộ dân xung quanh còn tỏ ra rất thích thú với mô hình trồng mít Thái của gia đình tôi. Cây mít Thái sẽ là 1 trong những cây ăn quả giúp đa dạng cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Yên Châu...", anh Bắc tự tin khẳng định. 

img

Mít Thái khi chín có mùi thơm như sầu riêng, vị thanh ngọt, hạt nhỏ, múi to và có màu vàng nghệ.

Trao đổi với Dân Việt, ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu cho biết: Mô hình trồng mít Thái của gia đình anh Bắc rất hiệu quả, chúng tôi đã đến tham quan, đánh giá và hướng cho nhiều hộ dân học tập, để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.