Vẫn còn nhiều thách thức
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, con tôm Việt Nam hiện nay đang bước sang một tầm cao mới, không chỉ rộng về diện tích mà còn được tập trung đầu tư để trở thành lĩnh vực mũi nhọn của cả ngành nông nghiệp và nền kinh tế đất nước.
Theo thống kê, tôm nước lợ hiện được nuôi tập trung ở 28 tỉnh ven biển. Qua quá trình phát triển, đến giai đoạn 2011-2017, diện tích nuôi tôm nước lợ tăng từ 656.425ha lên 721.100ha; sản lượng tăng từ 482.200 tấn lên 683.400 tấn; năm 2017 đạt đỉnh cao về sản lượng và giá bán cao ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,8 tỷ USD.
Theo nhận định, thị trường cho sản phẩm tôm hiện nay chưa có ngưỡng và nhu cầu vẫn tăng mạnh. Bên cạnh đó, hiệp định thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm tôm ước ta thâm nhập vào thị trường thế giới. Nước ta có đội ngũ đoanh nhân, nhà khoa học, người nuôi tôm có kinh nghiệm….
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính ở Bạc Liêu. (Ảnh: Chúc Ly).
Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức trong sản xuất, cung ứng giống; việc truy xuất nguồn gốc; chế biến và phát triển thị trường…
Theo TS Trần Đình Luận - Phó Tổng Cục trưởng Thủy sản, hiện nay nguồn tôm bố mẹ còn phụ thuộc vào nhập khẩu (tôm thẻ chân trắng) và khai thác tự nhiên (tôm sú); chất lượng tôm giống không ổn định, chưa qua kiểm tra chất lượng; kỹ thuật ươm giống lớn chưa được phổ biến; sản xuất manh mún; chịu tác động nhiều của môi trường và dịch bệnh; giá thành sản xuất cao; nguy cơ tồn dư hóa chất, kháng sinh....
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, một khâu quan trọng, quyết định đến chất lượng, sinh trưởng tôm là nguồn thức ăn. Thế nhưng hiện nay có nhiều cơ sở chế biến thức ăn cho tôm nhưng hàm lượng tạp chất dư thừa trong tôm còn cao.
Lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển
Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho rằng: Để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành tôm đến năm 2025, chúng ta cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến các vấn đề về tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó cần lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững, giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học một cách hiệu quả và bền vững nhất.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế ASC tại huyện Cái Nước, Cà Mau. (Ảnh: Chúc Ly).
Trong khi đó, nhiều đại biểu tại hội thảo cho rằng, muốn com tôm đạt chất lượng cần tăng cường nghiên cứu chọn tạo giống, gia hóa theo kế hoạch hợp đồng quốc gia, sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, điều kiện các trại giống phải đảm bảo an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm quy định quản lý chất lượng; xử lý nghiêm việc vận chuyển giống không tuân thủ quy định; hướng dẫn người dân ươm giống lớn trước khi thả vào nuôi…
Đề cao đến chất lượng con tôm trong việc kháng bệnh, TS Thomas (Neovia Việt Nam), lưu ý: Người nuôi cần chú ý đến khâu chọn giống, nhất là tôm bố mẹ. Khi tôm bố mẹ khỏe sẽ tạo ra con giống khỏe mạnh và phát tiển tốt. Tuy nhiên, quá trình nhân giống đến khi thu hoạch cần một quy trình liên kết chặt chẽ với nhau. Điều này sẽ mang đến giá trị hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người chăn nuôi tôm. Vừa tiết kiệm chi phí, vừa dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, tốc độ sinh trưởng của con tôm.
Áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ được xem là phương châm phát triển bền vững trong tương lai. (Ảnh: Chúc Ly).
Chia sẻ tại hội thảo, lão nông Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu), người được mệnh danh là “vua tôm”, cho biết: “Hiện tôi đang áp dụng mô hình nuôi tôm bán thâm canh với mật độ thưa. Ưu điểm của hình thức nuôi này là con tôm ít hao hụt, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là ít ảnh hưởng môi trường. Với điều kiện sản xuất của người nông dân hiện nay, hình thức nuôi này rất phù hợp. Bên cạnh đó, trong tương lai tôi sẽ cải thiện quy trình nuôi hướng đến nuôi tôm sạch”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học giới thiếu một số công nghệ, giải pháp nuôi tôm hiệu quả như: Giải pháp và ứng dụng trong dinh dưỡng cho tôm; nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng hệ thống sản xuất biosipec; nuôi tôm trong nhà kính theo công nghệ vi sinh đa dưỡng, hoàn toàn không thay nức và có khả năng tái sử dụng nước; phương pháp phối kết hợp để phát triển giống tôm SPF;… |