Dân Việt

VIC, VJC ngược dòng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 1.550 tỷ đồng

Nguyên Phương 27/04/2018 18:01 GMT+7
Hai cổ phiếu từng đóng vai trò trụ cột, ngăn đà giảm điểm của thị trường trong giai đoạn vừa qua là VIC, VJC đã bị bán mạnh và đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 27.4 khiến tài sản chứng khoán của hai tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Thị Phương Thảo "bốc hơi" hơn 1.550 tỷ đồng.  

img

Tài sản chứng khoán của hai tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Thị Phương Thảo giảm tổng cộng hơn 1.550 tỷ đồng sau phiên giao dịch ngày 27.4 

Hai tỷ phú USD “mất” 1.550 tỷ đồng

Phiên giao sáng 27.4 diễn ra khá tích cực khi dòng tiền bắt đáy nhập cuộc kéo các chỉ số tăng trở lại. Thị trường cuối phiên giao dịch sáng 27.4 có 266 mã tăng điểm, 214 mã giảm điểm.

Khối ngoại giao dịch khá sôi động khi mua ròng 242 tỷ đồng trong buổi sáng nay, song lực mua ròng tập trung chủ yếu ở FRT với 420 tỷ đồng, giá trị giao dịch của FRT quanh gần giá trần 160.500 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va tiếp tục bị bán mạnh và giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp, rơi vào tình trạng "trắng bên mua. Ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 27.4, NVL dư mua tới 543.780 cổ phiếu.

Ở nhóm Bluechips, PLX thu hút sự chú ý khi tăng trần lên 61.700 đồng/cổ phiếu ngay trong sáng 27.4. Hai cổ phiếu từng đóng vai trò trụ cột, ngăn đà giảm điểm của thị trường trong giai đoạn vừa qua là VIC, VJC đã bị bán mạnh và đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 27.4 khiến tài sản chứng khoán của hai tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng có thời điểm giảm tổng cộng tới hơn 3.000 tỷ đồng.

img

Giá trị cổ phiếu VIC có dấu hiệu đi ngang trong một vài phiên giao dịch gần đây

Tới 14h chiều 27.4, thị trường dần ổn định trở lại. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, song đã có sự cải thiện với 235 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng tổng giá trị giao dịch khoảng 6.430 tỷ đồng. Số mã tăng điểm trên 3 sàn lên tới 351 mã, chỉ có 220 mã giảm điểm.

Các Bluechips như FPT, HPG, MSN, VRE, PNJ, tăng tích cực, trong khi VIC cũng hồi phục về gần mốc tham chiếu giúp thị trường giữ vững đà tăng. Ở chiều ngược lại, GAS bị bán khá mạnh và giảm sàn "trắng bên mua" xuống 111.500 đồng, ngoài ra VHC, NVL cũng là 2 cổ phiếu giảm sàn đáng chú ý.

Đóng cửa phiên giao dịch, VnIndex tăng 5,4 điểm (0,52%) lên 1.050,26 điểm, Hnx-Index tăng 2,53 điểm (2,1%) lên 122,64 điểm, Upcom-Index tăng 0,87 điểm (1,57%) lên 56,56 điểm.

img

VJC vẫn chưa ngăn được đà giảm giá

Tài sản chứng khoán của hai tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Thị Phương Thảo ở thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 27.4 giảm tổng cộng hơn 1.550 tỷ đồng.  

Trong đó, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup “bốc hơi” 723,97 tỷ đồng (0,79%) do giá trị giao dịch của cổ phiếu VIC giảm 1.000 đồng/cổ phiếu, xuống còn 126.000 đồng/cổ phiếu.

Với tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Hàng không VietJet, Phó Chủ tịch thường trực HDBank, dù giá trị giao dịch của VJC đã giảm tới 5.000 đồng/cổ phiếu (2.60%) xuống còn 187.000 đồng/cổ phiếu song sự tăng trưởng của cổ phiếu HDB đã giúp tài sản chứng khoán của bà Thảo chỉ giảm 820,97 (2,42%) xuống còn 33.050,38 tỷ đồng.

Những kế hoạch cho tương lai

Về hoạt động kinh doanh của hai vị tỷ phú USD nêu trên. Trong Báo cáo thường niên năm 2017 vừa được công bố, Tập đoàn Vingroup (VIC) đã hé lộ nhiều kế hoạch mới trong năm 2018 đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

Trong hệ sinh thái của mình Vingroup, bất động sản sẽ tiếp tục chiếm vai trò chiến lược. Năm 2018, dòng sản phẩm VinCity được kỳ vọng mang đến thay đổi bản lề đối với danh mục dự án bất động sản của Vinhomes.

Dự kiến sẽ có 4 đại dự án VinCity đồng loạt ra mắt tại Hà Nội, TPHCM và 2 tỉnh thành khác, lần đầu tiên cung cấp hệ sinh thái đồng bộ của Vingroup cho phân khúc bất động sản đại chúng.

img

Trong hệ sinh thái của mình Vingroup, bất động sản sẽ tiếp tục chiếm vai trò chiến lược (Ảnh minh họa)

Cùng với bất động sản để ở, Vinhomes còn đầu tư vào bất động sản thương mại, như văn phòng, căn hộ cho thuê, để đáp ứng nhu cầu “sống - làm việc - hưởng thụ” chất lượng cao của người Việt Nam, đồng thời tăng nguồn doanh thu thường xuyên. Năm 2018, Vinhomes sẽ phát triển và mở bán các dự án có quy mô lớn ở cả phân khúc trung và cao cấp.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi nộp hồ sơ niêm yết gần 2,68 tỉ cổ phiếu lên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào đầu tháng 4.2017, Vinhomes cùng một công ty thành viên khác của Tập đoàn Vingroup đã ký thỏa thuận hợp tác với quỹ đầu tư GIC Private Limited của Singapore.

Theo đó, GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD, tương đương 29,500 tỷ đồng dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Credit Suisse (Singapore) Limited là đơn vị tư vấn của thương vụ này.

img

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, cổ phiếu VJC đã và đang nhận được sự chào đón từ nhiều thị trường

Với Vietjet, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 27.4, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã cho biết, cổ phiếu VJC đã và đang nhận được sự chào đón từ nhiều thị trường.

Điển hình là Đài Loan và Newyork đang có lời mời cho VJC, theo nhận định từ các thị trường này VJC hiện đã đáp ứng đủ các yêu cầu. Thậm chí, đại diện thị trường Singapore cũng đã có chuyến thăm đến Việt Nam thể hiện sự quan tâm đến kế hoạch niêm yết của VJC. Hiện thì Công ty đang xem xét giải quyết những khó khăn cho việc niêm yết sang nước ngoài như chênh lệch múi giờ...

Năm 2018, Vietjet đề xuất con số chi trả cổ tức là 50% bằng cổ phiếu. Như vậy, năm nay Vietjet kế hoạch phát hành tối đa hơn 90 triệu cổ phiếu phổ thông, giá trị thu về tính theo mệnh giá gần 903 tỷ đồng.

Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu của Công ty, tỷ lệ phát hành là 100:20 (tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới), lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31.12.2017 là 5.809 tỷ đồng.