Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp ngày 27.4
Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong vấn đề bán đảo Triều Tiên vì Bắc Kinh có thể giúp đảm bảo kinh tế và chính trị cho Bình Nhưỡng, các nhà phân tích cho biết.
Trong hội nghị thượng đỉnh ngày 27.4, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý sẽ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” trên bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình vĩnh viễn.
Tuy nhiên, các chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng Triều Tiên sẽ không thể tiến đến phi hạt nhân hóa và hòa bình nếu không có sự tham gia của Trung Quốc vì Bắc Kinh sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng các ưu đãi kinh tế và an ninh chính trị cần thiết để từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Kim Joon-hyung, giáo sư tại Đại học Toàn cầu Handong, cho rằng việc Bình Nhưỡng thực hiện lời hứa đến đâu sẽ phụ thuộc vào nước này được lợi gì.
Nếu cái giá đưa ra phù hợp, Triều Tiên có thể thúc đẩy phi hạt nhân hóa, ông Kim nói.
Tuy nhiên, ông Trump lại nổi tiếng là một người đàm phán giỏi và “không nhượng bộ”.
Các chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng Triều Tiên sẽ không thể tiến đến phi hạt nhân hóa và hòa bình nếu không có sự tham gia của Trung Quốc
Đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn sẽ là yếu tố chính trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự tham gia của “các bên khác” trong thỏa thuận, và Trump sẽ rất vui khi Trung Quốc “trả tiền” cho điều này. Đây là nhận định của Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Hàn Quốc về sự thống nhất, đối ngoại và an ninh quốc gia.
"Khi đó, Tổng thống Trump sẽ nói Tôi đã làm được điều đó mà không tốn một xu nào", ông Moon nói.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, cung cấp các nguồn tài nguyên chiến lược như dầu mỏ.
Việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Triều Tiên có thể là một yếu tố quan trọng trong quyết định thay đổi con đường của Bình Nhưỡng, theo Andrei Lankov, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul.
Ông Kim Jong-un bắt tay ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3
Các biện pháp trừng phạt quốc tế được áp dụng để đối phó với các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Trung Quốc từ đó hạn chế cung cấp dầu cho Triều Tiên, cấm nhập khẩu các mặt hàng Triều Tiên như dệt may và hải sản.
Khi Bình Nhưỡng và Mỹ chuẩn bị đối thoại, Trung Quốc có thể dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để nối lại quan hệ tốt đẹp và duy trì ảnh hưởng với Triều Tiên, theo Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại tổ chức về chính sách ở Mỹ.
Điều Bình Nhưỡng muốn nhất là sự đảm bảo an toàn cho hệ thống chính trị, nếu không, họ sẽ không hoàn toàn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, theo Cho Beong-ryoul, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia ở Seoul.
Bắc Kinh có thể giúp đảm bảo điều này cho Bình Nhưỡng. Từ lâu, Trung Quốc đã phản đối sử dụng các biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ không để chế độ ông Kim Jong-un sụp đổ.
John Delury, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul, cho biết các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ có thể thành công hơn so với các cuộc đàm phán sáu bên do Trung Quốc từng tổ chức trước đó. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nên tham gia vào công việc ngoại giao này càng nhiều càng tốt, theo Delury.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tin là đã lên kế hoạch thăm Bình Nhưỡng, có thể là vào tháng 6, sau khi ông Kim chọn Bắc Kinh là điểm đến quốc tế đầu tiên của mình hồi tháng 3 với tư cách lãnh đạo Triều Tiên. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn là một phần của cuộc đàm phán, theo Delury.
Nhiều người dân Hàn Quốc rất bất ngờ khi nghe thấy giọng nói của ông Kim Jong-un qua truyền hình và Internet trong hội nghị...