Dân Việt

Tổng thống Putin: Nga không phụ thuộc Trung Quốc

Chi Nguyễn 30/04/2018 15:30 GMT+7
Việc kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng lên khiến giới chuyên gia nhận định, Moscow đang dần phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Hãng TASS dẫn tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc có thể vượt quá 100 tỷ USD.

Theo nguồn tin này, năm nay thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga cho thấy một xu hướng tích cực - trong quý 1 nó tăng 30%, và theo dự báo của Bắc Kinh, năm 2018 sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ USD.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2017 đạt 84,1 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2016. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong tháng 1đến tháng 3 tăng 28,2% lên 23 tỷ USD.

img

Tổng thống Nga Putin

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, khối lượng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga tăng 23,7% và lên tới 10,3 tỷ USD. Đồng thời, khối lượng hàng nhập khẩu hàng hóa của Nga sang Trung Quốc trong cùng kỳ tăng 32% lên 12,7 tỷ USD.

Mặc dù kim ngạch thươgn mại Nga - Trung liên tiếp tăng nhưng theo Tạp chí Á-Âu của Trung Quốc, kết cấu kinh tế Nga không hợp lý, việc quá dựa vào nguồn tài nguyên năng lượng là vấn đề đã xuất hiện từ rất lâu. Nhưng vấn đề ở đây là nhiều năm nay Nga hình như vẫn chưa tìm được con đường phát triển kinh tế mới.

Trước sự trừng phạt của phương Tây, Nga đã có một vài biện pháp mới, như là mạnh mẽ đề xuất thay thế nhập khẩu, dốc sức phát triển nông nghiệp, phát triển Viễn Đông, nhưng liệu có đạt được kết quả hay không chúng ta cần phải chờ đợi.

Tình hình kinh tế Nga hiện nay là: có khó khăn, không khủng hoảng; biết vấn đề nằm ở đâu, nhưng chưa có phương án giải quyết hiệu quả. Kinh tế Nga được nhìn nhận là bắt đầu dần hồi phục với nhiều nhân tố tích cực.

Trong năm 2015, kinh tế Nga giảm 3,7%, ngoại thương giảm mạnh 33%, dự trữ ngoại tệ-vàng giảm xuống còn 360 tỷ USD.

Đến năm 2016, biên độ giảm của kinh tế dần được thu hẹp theo quý. Sáu tháng đầu năm 2016 giảm 0,9%, tháng 8 thậm chí còn xuất hiện mức tăng trưởng nhẹ 0,3%. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng kinh tế Nga năm 2017 tăng 1,3%, năm 2018 tăng 2%.

Theo báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" của Ngân hàng thế giới, kinh tế Nga năm 2017 tăng 1,4% và năm 2018 tăng 1,8%.

Việc giá năng lượng phục hồi cũng giúp cải thiện tình hình tài chính eo hẹp của Nga, trong khi dòng vốn chảy ra bên ngoài giảm đáng kể. Từ tháng 1 đến tháng 9/2016, dòng vốn chảy ra bên ngoài của Nga chỉ có 9,6 tỷ USD, cùng thời gian đó vào năm 2015 dòng vốn chảy ra ngoài là 48 tỷ USD. Cả năm 2014 con số này lên tới 150 tỷ USD.

Những yếu tố tích cực khác được giới phân tích Trung Quốc nhắc tới là dự trữ ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại, lạm phát giảm thấp, công nghiệp xuất hiện tăng trưởng dương…

Tuy nhiên, nhiều yếu tố bất lợi vẫn đe dọa nền kinh tế Nga như xuất nhập khẩu đều sụt giảm, trong khi đó tỷ trọng năng lượng trong xuất khẩu vẫn chiếm tới hơn 55%; đầu tư tài sản cố định giảm trong nhiều năm; sự yếu kém trong tiêu dùng vẫn tiếp tục…

Đề cập tới vấn đề tiêu dùng, giới phân tích Trung Quốc thậm chí còn đưa ra nhận định người Nga không có tiền để tiêu. Dẫn chứng là 6 tháng đầu năm 2016 số người nghèo là 21,4 triệu người, chiếm 14,6% tổng dân số. Thu nhập thực tế của người dân Nga liên tục giảm trong nhiều năm.

Trước những khó khăn phải đối mặt, việc kim ngạch thương mại Nga - Trung liên tiếp tăng là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng Nga đang từng bước phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhận định này đã bị Tổng thống Putin phủ nhận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong một cuộc họp báo nằm trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế quốc tế, Nga không e sợ Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Khi hợp tác với Bắc Kinh, Moscow chỉ chấp nhận những điều tốt cho cả hai.

"Nga không phải là một quốc gia đang sợ bất cứ điều gì, và chắc chắn, hành động của Trung Quốc không nhằm vào bất cứ sự hấp thụ nào, chúng tôi quyết định cùng nhau, và chúng tôi không có những quyết định có hại mà chỉ sẽ tốt cho chúng tôi", ông Putin nói.

Theo nhà lãnh đạo Nga, "sẽ có lỗi nếu không biết tận dụng lợi thế từ những cơ hội" nảy sinh trong kết quả hợp tác với Trung Quốc. "Nga là đất nước cởi mở dành cho sự hợp tác với tất cả các quốc gia và Trung Quốc hôm nay cũng đang phô trương sự cởi mở như vậy với toàn thế giới" - ông Putin nhận xét.

Ông Putin cho hay, trong ngày đầu tiên của diễn đàn Một vành đai, một con đường, ông đã gặp gỡ đại diện của các doanh nghiệp lớn nước ngoài, kể cả châu Âu. Và từ đó, ông lưu ý rằng, các nhà doanh nghiệp nước ngoài đều cảm nhận được "sự cởi mở và cam kết mở rộng hơn của Trung Quốc so với các quốc gia luôn được coi là động lực của nền kinh tế thế giới".

Tổng thống Nga khẳng định Moscow và Bắc Kinh đang đi đúng hướng về tối ưu hóa cơ cấu thương mại.