Hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh là coi thường tính mạng hành khách? (Ảnh: IT)
Trao đổi với Dân Việt, TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng: Trước khi hạ cánh, phi công sẽ nhận tín hiệu ở mặt đất và phải có tín hiệu thì họ mới đáp xuống. “Thông thường, phi công thuê nước ngoài họ cũng đã có kinh nghiệm và có số giờ bay đủ tiêu chuẩn rồi mới được thuê. Do đó, nếu không có tín hiệu thì chỉ khi có trường hợp khẩn cấp phi công mới phải hạ cánh như vậy. Còn nếu do phi công chủ quan là do lỗi cả hệ thống chứ không chỉ do phi công, vì lịch bay rõ ràng dưới đất cũng nắm hết”, ông Sanh phân tích.
Ông Sanh cũng cho biết thêm, trước đó đã có vụ việc ở Hải Phòng, không có tín hiệu mặt đất thì phi công cho máy bay bay lòng vòng chứ đâu dám hạ cánh. Do đó, việc xác định lỗi do phi công hay do điều hành trong sự việc này cũng rất quan trọng để tìm ra lỗi của hệ thống?. “ Điều hành bay ở sân bay quốc tế bị sự cố như vậy sẽ rất nguy hiểm”, ông Sanh nói.
Theo ông Sanh, may mắn là không có sự cố nghiêm trọng xảy ra, nhưng nếu có xảy ra thì rất nghiêm trọng vì do đường bay chưa xây dựng xong và chưa được đưa vào khai thác.
“Nghiêm trọng nhất trong sự cố này là ở ý thức của những người có trách nhiệm, coi thường tính mạng của hành khách. Do đó, cần chờ xem Cục Hàng không sẽ xác định lỗi do phi công hay điều hành mặt đất ẩu”, ông Sanh nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định trên, chuyên gia Trần Đình Bá cho biết: Đường băng làm chưa xong, giả sử có người đang thi công hay các thiết bị máy móc vẫn còn ở trên đường băng dẫn tới tai họa xảy ra sẽ nghiêm trọng như thế nào? Thậm chí, các vật dụng, dụng cụ, máy móc chưa dọn vệ sinh trên đường băng này sẽ dẫn tới nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, có thể gây ra thảm họa. “Đây là vi phạm Luật hàng không dân dụng Việt Nam nghiêm trọng. Tôi nghĩ có thể do lỗi cả điều hành không lưu và cả tổ lái. Vì đường băng đang thi công trong khi máy bay nội địa chứ không phải quốc tế mà lại có sự nhầm lẫn rất “ngớ ngẩn” như thế, coi rẻ tính mạng con người”, ông Bá nói.
Theo ông Bá, việc hạ cánh không đúng đường băng còn có nguy cơ làm cuốn đất đá vào tua - bin phản lực nên rõ ràng 2 động cơ của máy bay này có thể bị hư hỏng. Nếu tiếp tục sử dụng phải có đánh giá mức độ an toàn cho chuyến bay tiếp theo.
Một chuyên gia khác đang công tác tại Vietnam Airline (đề nghị giấu tên) cũng phân tích: Ở sân bay nếu 2 đường băng song song nhau cùng một hướng, khi hạ cánh độ chính xác của đài dẫn đường và độ chính xác của hệ thống trên máy bay sẽ chỉ rất rõ đường băng. Tuy nhiên, ở trên cao có thể chỉ ra hướng của giữa 2 đường băng đó, khi hạ cánh phi công sẽ phải hỏi lại mặt đất là đã nhìn thấy đường băng và cần xác định tọa độ của 2 đường băng. Ví dụ, có thể xác định ở 2 hướng khác nhau là bên trái 02, và bên phải 20. Con số 02,20 để xác định chuẩn đường băng hạ cánh.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, ở Cam Ranh đường băng chưa đưa vào khai thác nên việc phi công hạ xuống là chủ quan. “Đài chỉ huy không thể nhìn rõ được máy bay đang ở trên đường băng nào và họ cũng không nghĩ phi công sẽ đáp xuống đường băng chưa đưa vào khai thác. Đường băng chưa đưa vào khai thác sẽ không có trang thiết bị máy móc, do đó, lỗi có thể do phi công mới sang Việt Nam, không kiểm tra kĩ tài liệu trước khi bay nên chủ quan”, vị chuyên gia này phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, giả sử trường hợp phi công chính là người nước ngoài, người mới thì vẫn còn lái phụ có thể là phi công Việt Nam và cả tổ lái đã được phê chuẩn bay thì phải đảm nhiệm mọi tình huống với chức năng và nhiệm vụ được giao. Kể cả phi công chính chưa tới sân bay Cam Ranh lần nào thì vẫn phải chịu trách nhiệm vì khi đã được phê duyệt bay phải có trách nhiệm nghiên cứu bản đồ, khí tượng...
“Đây là một lỗi cực kỳ nguy hiểm, nếu có ô tô, xe tải, cẩu...hoặc trên đường băng mặt đường chưa ổn...thì rất nguy hiểm với an toàn của hành khách. Được biết một tiếng sau xe thang mới đi ra tới nơi, tôi không rõ hiện trường cụ thể nhưng có thể còn chưa có đường cho xe thang đi ra khu vực này. Đây là sự cố cần có điều tra và tìm rõ nguyên nhân từ đó đưa ra giải pháp xử lý. Tôi cho rằng, lỗi chính là của tổ bay, mức độ sự việc này là rất nghiêm trọng”. vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ công tác toàn bộ thành viên tổ lái chuyến bay VN7344, cùng toàn bộ kíp trực điều hành bay tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh để phục vụ công tác điều tra; tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật tàu bay để xem xét quyết định việc khai thác tiếp theo.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã thành lập tổ điều tra do ông Hồ Minh Tấn - Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay làm Tổ trưởng cùng lãnh đạo các phòng: Quản lý hoạt động bay, Quản lý Cảng hàng không sân bay, Cảng vụ Hàng không miền Trung và các chuyên gia về lĩnh vực khai thác tàu bay, không lưu vào ngay Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh để điều tra, làm rõ nguyên nhân
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, thành viên tổ bay có 7 người, Cơ trưởng là người quốc tịch Mỹ và khai thác cho VNA từ tháng 1.2018.
Vào lúc 14h53 chiều nay, tàu bay của Vietnam Airlines (VNA) số hiệu VN7344, loại tàu bay A321, chặng TP.HCM - Cam Ranh đã hạ cánh xuống đường CHC số 2 chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Tổng số hành khách trên máy bay là 203 khách may mắn an toàn.
Trao đổi qua điện thoại, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Tổ điều tra đang làm việc tích cực cả ngày nghỉ lễ ở Cam Ranh để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Khi nào có kết quả điều tra, Cục Hàng không sẽ thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí. |