Dân Việt

Khách sạn Đà Nẵng vẫn trống phòng, nhà dân treo bảng cho thuê dịp lễ

Thanh Thúy - Lê Ngà 30/04/2018 18:02 GMT+7
Lượng khách đến Đà Nẵng tăng hơn 10,2% so với năm 2017 nhưng số phòng khách sạn trống vẫn còn nhiều. Trong khi đó, nhiều nhà dân đã tận dụng dịp lễ để cho khách du lịch thuê nhà.

Theo Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5.2018, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 342.992 lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 108.930 lượt, tăng 28,8%, khách nội địa ước đạt 234.062 lượt, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng khách tăng do kỳ nghỉ lễ cũng là thời điểm khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018 với chương trình nghệ thuật đặc biệt cùng nhiều hoạt động phụ trợ thu hút đông khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng. Vì thế giá nhà nghỉ, khách sạn và các dịch vụ "ăn theo” cũng tăng lên chóng mặt.

img

Khách sạn hai bên bờ sông Hàn khu vực gần bắn pháo hoa kín phòng dịp lễ 30.4.2018. Ảnh: Thúy Ngà

Dịp lễ năm nay lượng du khách đến với Đà Nẵng tăng cao, khiến nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở khu vực 2 bên sông Hàn hay các bãi biển “cháy” phòng, giá phòng cũng tăng từ 30 – 50% so với ngày bình thường.

Một chủ khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng) cho biết cho dù đã “cháy” phòng từ nhiều ngày trước nhưng lượng khách đến đặt phòng vẫn tấp nập và tăng khá nhiều so với các dịp lễ khác, cách đây 1 tháng thì khách đã đặt hết phòng.

Các nhà nghỉ, khách sạn nằm ở vị trí đẹp (gần khu vực bắn pháo hoa, gần biển) đều tăng giá gấp 2 – 3 lần (tầm 1.200.000 đồng đến 1.500.000 đồng/đêm). Đơn cử một khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo (Đà Nẵng), giá ngày thường cho mỗi phòng đơn (nhìn ra sông Hàn) là 650.000 đồng song trong dịp này lễ tân cho biết giá loại phòng này lên đến 1.500.000 đồng.

Trong khi đó, các khách sạn nhỏ, xa khu vực bắn pháo hoa (như đường Đống Đa, Nguyễn Văn Linh…) giá phòng chỉ tăng nhẹ từ 20 – 30%.

Chị Nguyệt Ánh, du khách đến từ Hà Nội cho biết, vì đến Đà Nẵng khá gấp và không kịp đặt trước phòng nên mặc dù đã đi nhiều khách sạn nhưng tất đều hết phòng vào ngày 30.4. Chị phải đi tìm phòng ở khu vực khá xa trung tâm mới có phòng.

img

Người dân Đà Nẵng treo bảng cho thuê chỗ xem pháo hoa. Ảnh: Thúy Ngà

Nhiều chủ nhà nghỉ còn ra tận trước của ngồi đợi để chờ đón khách, đối với các dịch vụ lưu trú thì đây là thời điểm làm ăn khấm khá nhất trong năm. Đặc biệt, năm nay một số nhà dân ở khu vực biển và pháo hoa đã đồng loạt treo biển cho thuê nhà dịp bắn pháo hoa.

Bà Nguyễn Thị Hoa, có nhà ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, lễ hội pháo hoa mấy năm nay thu hút rất nhiều du khách. Có nhà gần chỗ bắn pháo hoa nên bà tranh thủ cho thuê dịp này để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Các dịch vụ “ăn theo” cũng náo nhiệt không kém. Cho thuê chỗ xem pháo hoa trên sân thượng các tòa nhà cao tầng là hoạt động sôi nổi nhất. Với những lời mời “lôi kéo” hấp dẫn thì giá vào khoảng 200.000đồng/1người/1 đêm. Theo chủ các ngôi nhà thì giá sẽ tăng cao hơn nữa trong ngày 30.4.

img

Tranh thủ dịp bắn pháo hoa rất nhiều nhà dân treo bảng cho thuê phòng, thuê chỗ xem pháo hoa. Ảnh: Thúy Ngà

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho hay, năm nay Đà Nẵng không tổ chức bình ổn giá dịch vụ như mọi năm nhưng đơn vị này vẫn kiểm soát chặt việc tăng giá.

“Đến hết ngày 29.4, hệ thống khách sạn của Đà Nẵng vẫn còn phòng. Số lượng khách mới sử dụng hết khoảng 75-80% số phòng. Giá dịch vụ tăng trong biên độ 30-50% tùy theo phân khúc khách sạn dưới 3 sao và từ 3 sao trở lên. Đà Nẵng không tổ chức bình ổn giá nhưng tất cả các khách sạn đều phải đăng ký giá với Sở Tài Chính và niêm yết công khai", ông Cường cho hay.