Lửa nghề chưa tắt
Chuyện manh nha từ năm 2014, khi thầy Đỗ Mạnh Hùng mua đất, thành lập HTX Tín Phát ở Hoành Bồ chuyên trồng, kinh doanh lan hồ điệp cung cấp ra thị trường. Vốn không được đào tạo về nông nghiệp hay công nghệ sinh học nhưng bằng tình yêu cây cối, hoa lá, thầy giáo Hùng đã cất công đi khắp nơi, sang cả Trung Quốc để tìm hiểu cách chăm sóc hoa tại các nhà vườn trồng hoa lớn.
Giám đốc Đỗ Mạnh Hùng nâng niu từng bông hoa hồng.
Thế rồi, sau đó anh tuyên bố bỏ nghề dạy học, bỏ ghế hiệu trưởng Trường THPT Thống Nhất, bỏ công việc làm ăn ở TP Hạ Long để vào thôn Chợ, xã Thống Nhất, theo đuổi niềm đam mê trồng hoa. Biết tính anh nên gia đình chẳng ai dám can ngăn. Ông Đỗ Văn Tín, bố của anh Hùng, bảo: "Nó yêu hoa lắm. Số nó có lẽ phải gắn với cây cối, hoa lá. Tôi vẫn đùa, trong nhà tên vợ, tên mẹ nó toàn là các loài hoa nên đời nó phải gắn với hoa. Ngày nào cũng vậy, mở mắt ra là đã thấy hoa rồi...".
Đỗ Mạnh Hùng bảo đây là lựa chọn của riêng anh và anh cũng không mong muốn hay cổ súy cho các thầy, cô hiện nay rời bỏ trường lớp đi làm việc khác. Mỗi người có sở trường riêng, có lựa chọn riêng. |
Tôi hỏi anh Hùng bỏ nghề dạy, anh có nhớ lớp, nhớ trò không. Nở nụ cười thân thiện trên môi, anh nói nhỏ: "Nhớ chứ. Ban đầu nhớ lắm nhưng rồi dần dà cũng quen. Mình vẫn yêu nghề, mến trẻ nhưng xét cho kỹ thì mình không còn hợp với nghề đó, với môi trường đó nữa. Vậy thì chuyển sang làm tư nhân cho tự do. Tự do về thời gian, tự hoạch định và tự chịu trách nhiệm về điều mình làm. Đương nhiên là sẽ vất vả, khó khăn hơn, nhưng bù lại thu nhập cũng cao hơn...".
Hùng nói vậy thôi chứ nhìn anh tôi vẫn thấy cái chất của một người thầy giáo nhiều năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng. Hùng chăm từng cây hoa tỉ mẩn và chu đáo như chăm từng học trò. Cái cách anh làm việc có gì đó mẫn cán và mực thước chứ không phóng túng. Có vẻ như khí chất ấy vừa hợp với thầy giáo lại vừa hợp với người làm vườn, trồng hoa chăng?
Nói vậy chứ công việc dù nhiều đến mấy anh cũng không cho vợ bỏ nghề giáo viên. Nhà anh vẫn còn vợ, mẹ đẻ, bố vợ là những người còn gắn bó với sự nghiệp trồng người. Chỉ có anh là lăn lộn với nghiệp trồng hoa.
Hoa lan hồ điệp mang lại nguồn thu lớn nhất cho HTX Tín Phát.
Người làm vườn sáng tạo
Ra làm tư nhân nghĩa là thầy giáo toán tin Đỗ Mạnh Hùng phải giải "bài toán" sao cho lời giải có lợi cho mình nhất, hiệu quả kinh tế càng lớn càng tốt. Có lẽ vì thế mà Hùng chọn trồng hoa lan. Theo phân tích của anh Hùng, đặc điểm của lan hồ điệp là loại hoa khó trồng, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về độ ẩm, nhiệt độ và quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Lan hồ điệp không trồng theo cách đơn thuần phụ thuộc tự nhiên mà phải có hệ thống nhà lưới với những thiết bị, kỹ thuật bài bản.
Hiện nay, tuy mới 34 tuổi nhưng Hùng đã là chủ của một HTX có cơ ngơi khang trang, đầu tư hiện đại, trồng nhiều loại hoa. Thu nhập chính của trang trại này trông chờ vào vụ lan bán dịp cuối năm với 1,5ha đất phục vụ cho việc trồng, phát triển lan hồ điệp. |
Trên cơ sở đó, HTX đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng nhà lưới với diện tích 1.200m2 cùng thiết bị điều hòa nhiệt độ, máy phát điện, quạt gió, hệ thống lọc nước...Trong đó, nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà lưới, cây giống. Sau khi hoàn thiện hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, năm 2015, HTX đưa vào trồng 1 vạn cây lan hồ điệp, đồng thời thuê một kỹ sư nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương về hướng dẫn và chuyển giao quy trình chăm sóc lan cho thành viên.
Sau khi nhập giống lan được nuôi cấy mô về, những mầm lan nhỏ bé được đưa vào khu nhà kính, được chăm sóc tỉ mỉ, theo dõi nhiệt độ trong vườn đảm bảo phù hợp với thời tiết bên ngoài và tưới nước thường xuyên để duy trì độ ẩm. Khi lan trưởng thành phải đưa đến cơ sở tại Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để kích ra ngồng hoa. Tại đây, nhiệt độ thường duy trì thấp, thích hợp để lan lên ngồng, sau thời gian 2 tháng, khi ngồng hoa đã lên đều sẽ đưa về trồng trong nhà kính.
Thời điểm này, nhiệt độ duy trì ở mức 28oC để lan trồi nụ. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật sẽ tiến hành tưới nước sạch từ 3-5 ngày/lần, đảm bảo đủ ẩm để lan phát triển ổn định đến khi thu hoạch. Thế mạnh của HTX Tín Phát do Hùng làm giám đốc vẫn là lan hồ điệp, tuy nhiên những giống hoa khác vẫn đem lại cho anh thu nhập đáng kể, đó là hoa ly, hoa đồng tiền, hoa hồng các loại.
Hùng chia sẻ với tôi những câu chuyện về lai tạo, cắt ghép các giống cây trồng, giống hoa, vừa giống như một kỹ sư nông nghiệp, vừa như một thầy giáo dạy toán đang giảng về giải phương trình toán học. Chỉ khác đáp số ở đây là những bông hoa. Hùng bảo cây non còn yếu, rễ cây chưa bám được, phải đốt vỏ trấu lấy mùn để đặt cây vào. Đúng là "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Bất kỳ đâu trong nước có giống hoa đẹp là anh lặn lội đến tận nơi mua cho bằng được.
Ông Tín giúp đỡ con trai chăm sóc vườn hoa.
Riêng hoa lan và hoa ly cũng đã giúp anh Hùng "bỏ túi" mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng. Nhưng hoa lan và hoa ly chủ yếu bán dịp Tết, còn bán quanh năm với giá cao thì có hoa hồng. Hoa hồng phong phú đủ loại: Có những giống hồng bản địa, lại có hồng ở tỉnh ngoài, ở trên cao nguyên mang về, có giống hồng nhập khẩu lai ghép, có giống hồng thân thẳng, lại có loài hồng mọc thành bụi, có loài dây leo.
Tôi quan sát thấy cùng một gốc hồng nhưng có đến vài ba loại hoa khác nhau. Lại có cây cùng một màu hoa những khi mới nở, khi nở rộ rồi đến lúc úa tàn, mỗi thời điểm lại một màu riêng biệt. Đặc biệt nhất, Hùng đã sưu tầm gốc cây tầm xuân loại to về để lai ghép lên trên đó những giống hồng nhập ngoại. Theo giải thích của Hùng thì cách lai ghép này sẽ tận dụng sức sống và khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, chống chịu sâu bệnh của hoa tầm xuân.
Không chỉ biết lai ghép, đầu tư phát triển loại hoa hồng nào, cung ứng ra thị trường thời điểm nào, mà theo Hùng phải nắm bắt cho được tâm lý của khách hàng. Khách hàng trồng hoa hồng ở cổng thì có hồng thân leo, khách trồng hoa hồng trên ban công thì ưa loài cây gốc thẳng thân cao, hoa hồng trồng ở biệt thự thế nào, hoa hồng để dưới đất ra sao, v.v..
Theo giới thiệu của ông chủ trang trại này tôi biết, khóm hồng nhỏ nhất cũng phải độ 800.000 đồng, cây lớn thì tầm 6-7 triệu. Ngoài giờ lên lớp, vợ Hùng vẫn ra vườn giúp chồng chăm hoa. Từ lâu, ông Tín cũng tự nguyện làm công nhân cho con. “Cuối năm nhiều việc, bà nhà tôi cũng ra trang trại này tương trợ chồng con. Vậy là cả nhà trồng hoa, cả nhà yêu hoa”, ông Tín kể. Nghe cách ông Tín nói chuyện về việc làm ăn của các con mình, tôi biết ông tin tưởng và tự hào lắm.
Lúc tạm biệt tôi, Hùng chỉ ra khoảng đất rộng liền kề với trang trại của anh, bảo: Nơi đây không chỉ có điều kiện phát triển nghề trồng hoa mà còn có truyền thống nuôi ong. Chúng tôi đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí mua giống hoa, xây dựng nhà xưởng... Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa và dự định sẽ sản xuất nhiều loại hoa phong phú hơn nữa để cung ứng cho thị trường. Tôi cũng đã mua được thêm mấy miếng đất để mở rộng trang trại cũng như mua khu nhà trưng bày của hợp tác xã nuôi ong. Tới đây, chúng tôi còn mở rộng sang lĩnh vực nuôi ong, ký hợp đồng với bà con xã viên có rừng, gần rừng để mở rộng đàn ong, cung ứng giống, thu mua và bao tiêu sản phẩm.
Nghe Hùng nói, tôi tin rằng những dự án đó sẽ thành hiện thực, bởi ở anh toát ra tố chất của một người dám nghĩ, dám làm và làm đến tận cùng đam mê sáng tạo.