Ông Ngân bên vườn táo.
Ông Năm vườn táo tên thật là Nguyễn Văn Ngân (sinh năm 1948), quê ở Tiền Giang đến Tây Ninh lập nghiệp. Ông Năm cho biết, trước đây ông trồng lúa, tỉa đậu, trồng nhãn nhưng không có hiệu quả, nên ông thử trồng hơn 150 gốc táo Thái (đây là loại táo ghép, có gốc là táo rừng) trên 1 công đất nhà (1.000m2).
Nhiều người cười chê ông gàn dở, bởi họ cho rằng trồng táo chỉ... để ăn chứ không bán được. Mặc kệ, ông vẫn cặm cụi chăm sóc. Táo trồng 1 năm là cho trái. Năm đầu không sao nhưng đến năm thứ hai, ruồi vàng xuất hiện rất nhiều.
Ông phun thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên mà vẫn không ngăn được ruồi vàng làm hư trái. Ðồng thời, nguy cơ nhiễm độc từ trái táo được phun thuốc bảo vệ thực vật khiến ông Năm băn khoăn.
Không bỏ cuộc, vợ chồng ông tìm tòi, nghiên cứu nhiều cách rồi dùng bọc ni-lông bao thử nghiệm một số trái. Thấy có hiệu quả nên ông áp dụng phương pháp này cho cả vườn táo. Từ đó, ông Năm chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật xử lý khi có rầy ăn đọt để dưỡng chồi cây vào thời điểm cây chưa có trái. Còn khi cây đã đậu bông, có trái rồi, ông không xịt thuốc mà mướn người bao trái rồi dưỡng trái bằng phân bón, nước.
Ông Năm chia sẻ, lượng nước tưới cây phải phù hợp, nhiều quá táo bị nứt trái. Ðồng thời, nếu bón đạm nhiều, táo lớn trái nhưng không ngọt, cho kali nhiều trái ngọt, giòn nhưng nhỏ. Vì vậy, ông phải nghiên cứu để bón phân sao cho trái táo vừa to, vừa ngọt, giòn, ngon.
Ngoài việc bao trái, ông Năm còn dùng bẫy dẫn dụ ruồi vàng. Nhờ đó mà vườn táo của gia đình ông giảm được gần như tuyệt đối thiệt hại do loại côn trùng này gây ra.
Ông Năm chia sẻ, vào vụ thu hoạch, có ngày ông bán được cả triệu đồng. Nhờ vườn táo nhỏ này mà ông xây được nhà, phát triển kinh tế gia đình. Táo nhà ông Năm được bán cho thương lái trong tỉnh. Ngoài ra, còn có rất nhiều khách tham quan, du lịch trong và ngoài tỉnh đến mua.
Giá táo tuỳ theo phẩm chất, được bán từ 10.000 đồng đến 35.000 đồng/kg. Tổng thu nhập từ vườn táo này khoảng 100 triệu đồng/năm, trong đó, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng.