Tháp Ponaga được xây dựng trên một khoảng đất khá bằng phẳng, rộng rãi của một quả đồi đá hoa cương, cao trên 10m so với mặt nước biển. Ở làng Cù Lao thuộc địa phận phường Vĩnh Phước, TP.Nha Trang. Quả đồi này nằm ở phía bắc cửa sông Cái, bên trái có một xóm chài gọi là xóm Bóng - tương truyền đây là nơi đào tạo các trinh nữ cho múa bóng và những ngày tế lễ trên Tháp Bà.
Tháp Bà Ponaga |
Kiến trúc tuyệt mỹ
Tổng thể kiến trúc của Tháp Bà Ponaga gồm có 3 tầng, ở tầng trệt là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa, từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa, Ponaga hay tháp Bà Ponaga là ngôi đền nằm trên đỉnh của một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50m so với mặt nước biển. Tháp Bà Ponaga dùng để chỉ chung quần thể đền tháp này nhưng thực ra nó chỉ là tên gọi của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23m.
Tháp Bà Ponaga là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm. Kỹ thuật xây dựng giai đoạn từ thế kỷ thứ VIII đến XIII cho đến nay vẫn là điều bí ẩn dù nhiều nhà nghiên cứu đã vào cuộc, nhiều công trình khoa học đã được thực hiện. Người ta vẫn chưa hiểu được người Chăm đã làm cách nào để những viên gạch với kích cỡ 20x20cm cứ chồng khít lên nhau mà không cần bất kỳ một chất kết dính nào. Đó là nét độc đáo khiến du khách thêm phần yêu thích ngôi đền tháp này.
Xưa, quần thể tháp Bà có 6 ngôi kalan, tháp thờ và một số công trình phù trợ. Điều đáng tiếc là trải qua thời gian cùng bao biến động của tự nhiên, xã hội và chiến tranh đã tàn phá vẻ đẹp vốn có của quần thể tháp. Đến nay, quần thể di tích này chỉ còn lại 4 tháp và 2 hàng cột lớn xây bằng gạch ở dưới chân đồi. Ngay cả 4 tháp này cũng không còn nguyên vẹn mà kiến trúc bên ngoài cũng đã bị mất nhiều mảng, nhiều nhất là phần mái của tháp. Bốn ngôi đền tháp đó là tháp chính, tháp Nam, miếu Đông Nam và miếu Tây Bắc - có hình dạng khác nhau và được xây dựng trong những thời gian khác nhau.
Về kỹ thuật, tất cả tháp này được xây bằng gạch và trang trí nghệ thuật bằng các chất liệu đá - gốm, nội dung thể hiện cũng gắn liền với các vị thần được thờ ở đây. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá thể hiện các chủ đề khác nhau theo tôn giáo Bàlamôn, như các pho tượng tròn (hiện đang trưng bày tại Viện Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa) gắn liền với khu đền tháp tạo thành mảng kiến trúc nghệ thuật tuyệt mỹ...
Đắm say lòng người
Vào những ngày lễ vía Bà hàng năm (từ 20 đến 23.3 âm lịch) tháp Bà Ponaga đón hàng vạn du khách hành hương cũng như người dân trong vùng về dự lễ hội. Cũng như nhiều lễ hội khác của người Việt, trong những ngày vía Bà ở tháp Bà, xen kẽ giữa các lễ chính là những hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, như đọc kinh cầu an của các nhà sư, tục xin xăm Bà của những người dân; là những cuộc trình diễn múa lân, biểu diễn hát bội... Đặc biệt là hoạt động lễ thức mà người Chăm xưa đã để lại cho tháp Bà.
Một trong những di sản độc đáo nhất trong lễ hội vía Bà ở tháp Bà là múa bóng. Tại tháp Bà có một đội múa với những diễn viên là người dân tộc Chăm, họ vui vẻ phục vụ du khách và cũng sẵn lòng múa theo yêu cầu của du khách mà không lấy chi phí. Những bài múa nổi tiếng của dân tộc Chăm như Apsara, bến nước tình yêu, tình làng gòong... cùng tiếng khèn Saranai, trống ghinăng vui nhộn làm say đắm bao lòng người du khách. Khi vũ công cùng dàn nhạc nhịp bước theo điệu nhảy cũng là lúc những du khách cũng lắc lư theo điệu múa, tiếng nhạc.
Thanh Giang