Bàn Môn Điếm: Địa điểm lịch sử
Trong bối cảnh địa điểm nơi hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên gặp gỡ chưa được “chốt hạ”, Tổng thống Trump đã có một lời gợi ý bất ngờ trên mạng xã hội Twitter.
“Nhiều quốc gia đang được cân nhắc chọn làm địa điểm cho cuộc gặp, nhưng Nhà Hòa Bình tại khu vực biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên liệu có phải là một địa điểm mang tính Đại diện, Quan trọng và Trường tồn hơn so với một nước thứ 3 không? Chỉ hỏi thôi!” – ông Trump viết.
Ngay sau đó, đài CNN của Mỹ đã dẫn lời của một nguồn tin cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thuyết phục thành công nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp ông Trump tại khu vực phi quân sự ngăn cách hai miền Bàn Môn Điếm.
Cái bắt tay lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm hôm thứ Sáu (27.4) vừa rồi
Trước đó vào thứ Sáu (27.4) vừa rồi, ông Moon và ông Kim đã có cuộc gặp lịch sử cũng tại địa điểm này và cho ra Tuyên bố Bàn Môn Điếm – một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho tình hình bán đảo Triều Tiên được cả thế giới hoan nghênh. Nguồn tin của CNN nhận định rằng, “khả năng rất cao” là Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ được tổ chức tại địa điểm này. Thậm chí, một số sự kiện thuộc khuôn khổ của cuộc gặp Thượng đỉnh còn có thể được tổ chức tại khu vực phía bắc của Đường phân giới quân sự, nằm trong lãnh thổ Triều Tiên.
Được biết, các cơ sở truyền thông, thiết bị,… cần thiết phục vụ cho cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều vừa rồi vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị tháo dỡ. Do đó, cả hai bên đều có thể tận dụng cơ sở và trang thiết bị có sẵn ở Bàn Môn Điếm để cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên có thể diễn ra sớm nhất là vào “cuối tháng 5”.
Ngoài ra, việc đặt chân tới phần phía bắc của Bàn Môn Điếm cũng sẽ là một hành động biểu tượng mà chắc chắn ông Donald Trump sẽ không thể bỏ qua để ghi tên mình vào lịch sử với tư cách là đương kim Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới Triều Tiên.
Những lựa chọn khác
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ gặp nhau vào tháng 5 này. Ảnh: CNN.
Tới thời điểm hiện tại, dù ông Kim Jong-un được cho là đã nhận lời gặp Tổng thống Trump tại Bàn Môn Điếm, tuyên bố chính thức vẫn chưa được chính phủ hai nước đưa ra. Do đó, Bàn Môn Điếm chưa chắc đã phải là lựa chọn cuối cùng.
Song song với địa điểm nằm tại biên giới Hàn Quốc – Triều Tiên này, Singapore cũng đang là một lựa chọn được các quan chức Mỹ cân nhắc.
Vốn là một quốc gia thịnh vượng và đầy hào nhoáng, Singapore nằm ở cuối bán đảo Malaysia và được coi là cửa ngõ nối châu Á và phương Tây. Ngoài ra, Singapore vừa có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên (đây là 1 trong 47 nước có Đại sứ quán Triều Tiên), vừa có cơ sở quân sự của Mỹ đồn trú trên lãnh thổ.
Không chỉ có vậy, Singapore trước đó còn tổ chức nhiều sự kiện mang tính lịch sử mà điển hình là cuộc gặp hồi năm 2015 giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và người đứng đầu đảo Đài Loan thời đó là Mã Anh Cửu - lần đầu tiên và cũng là duy nhất Bắc Kinh và Đài Bắc tiếp xúc trực tiếp kể từ sau năm 1949.
Do đó, đây có thể là một lựa chọn “trung lập hơn” cho Tổng thống Trump.
Ngoài Singapore, một địa điểm khác cũng được cân nhắc là thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ. Lý do là nước này đều có quan hệ với cả Mỹ và Triều Tiên và ông Kim Jong-un thì lại muốn di chuyển gần hơn bằng chiếc tàu hỏa bọc thép của mình.
"Mongolia is very eager to host this summit, they have come out and said they will host it ... They want to be the Switzerland of Asia, they want to be seen as a partner that can have good ties with everybody," Gibson said.
"Mông Cổ rất mong muốn tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh, họ đã ra mặt đề nghị được tổ chức sự kiện trọng đại này... Mông cổ muốn trở thành Thụy Sĩ của châu Á, trở thành một đối tác tốt với tất cả mọi người", Jenna Gibson - Giám đốc Truyền thông tại Viện Kinh tế Hàn Quốc nói với CNN.