Ông Đỗ Quang Tùng- Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm trao đổi với phóng viên Dân Việt. Ảnh NT
Liên tiếp trong thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ phá rừng với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng ở các địa phương. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này và đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
- Nói về tình hình quản lý, bảo vệ rừng, chúng ta cần thừa nhận rằng không chỉ thời gian gần đây mà nó đã diễn ra dai dẳng từ rất nhiều năm rồi. Phá rừng luôn luôn là vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng, xã hội và dư luận. Bất cứ vụ tàn phá rừng nào cũng đều đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm khắc, dứt điểm.
Trong tương lai, nguồn tài nguyên rừng sẽ càng ngày càng bị "chú ý", bởi rừng càng cạn kiệt, thì nông – lâm sản càng trở nên quý giá, càng kích thích nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là lâm sản. Do đó, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng sẽ gay gắt hơn rất nhiều.
Chính vì công tác bảo vệ rừng càng gay gắt, đồng nghĩa với việc lực lượng kiểm lâm sẽ vất vả hơn. Theo thống kê, mỗi năm có tới 20.000 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Con số này phần nào phản ánh đúng thực tế khó khăn mà ngành kiểm lâm chúng tôi đang gặp phải hiện nay.
Hơn 40m3 gỗ từ nhóm IIA đến nhóm IV bị cơ quan điều tra bắt giữ tại xưởng gỗ của Phượng “râu”. Ảnh V.Thành
Mỗi khi xảy ra các vụ phá rừng, dư luận luôn đặt câu hỏi, vậy lực lượng kiểm lâm ở đâu mà không kịp thời, phát hiện ngăn chặn được. Là người đứng đầu lực lượng kiểm lâm cả nước, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Như tôi đã nói ở trên, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua và cả tới đây sẽ rất khó khăn, vất vả. Song trên thực thế, lực lượng kiểm lâm của chúng ta hiện nay vừa mỏng, vừa thiếu. Điều này cũng là thực tế đã được nhắc đến bây lâu. Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận rằng, đó chỉ là một phần nguyên nhân, sâu sa của việc để xảy ra những vụ vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng còn do nhiều nguyên nhân khác, đó là: Năng lực của cán bộ kiểm lâm địa phương còn nhiều hạn chế; một số ít cán bộ kiểm lâm bị mua chuộc, tha hóa, biến chất… ảnh hưởng không nhỏ để công tác bảo vệ rừng.
Chưa kể các cơ quan kiểm lâm ở địa phương là do địa phương quản lý, Cục Kiểm lâm chúng tôi chỉ có thể thường xuyên quán triệt lực lượng kiểm lâm địa phương bám sát địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh với các đối tượng vi phạm khai thác rừng trái phép, chứ với nhân sự vài chục người như hiện tại, thì Cục Kiểm lâm thực sự không thể quán xuyến gần 500 hạt kiểm lâm ở địa phương.
Cũng cần phải nói rõ, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không riêng ngành kiểm lâm, bởi theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư T.Ư Đảng, trách nhiệm này thuộc về các cấp chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không có trách nhiệm gì, kiểm lâm là lực lượng nòng cốt, tham mưu cho các cấp chính quyền trong công tác bảo vệ rừng. Và trên thực tế khi các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng diễn ra trong thời gian gần đây, chúng tôi đều cử cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cấp dưới, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý.
Trùm buôn gỗ Phương "râu" sa lưới. Ảnh: ĐS&PL
Liên quan đến việc C49 phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động vừa bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép trên 2 xe tải tại khu vực thị trấn Ea Tling (huyện Cư Jút, Đắk Nông) gây xôn xao dư luận, trách nhiệm của Cục Kiểm lâm trong vụ việc này như thế nào, thưa ông?
- Đúng là vụ việc có một phần trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn. Bên cạnh đó cũng cần nói đến trách nhiệm của đơn vị kiểm lâm quản lý địa bàn là Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút, trách nhiệm của các cơ quan chức năng của địa phương… bởi một doanh nghiệp lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi trong hoạt động sản xuất, chế biến, khai thác nông lâm sản trái phép, thì một mình lực lượng kiểm lâm thì rất khó, nếu không muốn nói không làm gì nổi.
Khi vụ việc xảy ra, Cục Kiểm lâm đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng 4 cũng như lực lượng kiểm lâm địa phương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các hoạt động buôn bán, kinh doanh, khai thác nông lâm sản trên địa bàn.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan điều tra xác minh, làm rõ vụ việc này. Quan điểm của Cục Kiểm lâm là, tất cả các vi phạm đều phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Nếu trường hợp nào thuộc trách nhiệm của Cục thì chúng tôi cũng kiên quyết xử lý triệt để, còn nếu không thuộc thẩm quyển quản lý, Cục Kiểm lâm sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Để ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác nông lâm sản trái phép, theo ông thời gian tới, cần phải triển khai thực hiện những giải pháp gì?
- Tôi cho rằng, trong thời gian tới sẽ cần triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm sau để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm nạn chặt phá rừng trái phép, đó là:
Thứ nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, cũng như lãnh đạo Bộ NNPTNT để hoàn thiện hơn chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ hai, đối với lực lượng kiểm lâm các địa phương, chúng tôi luôn yêu cầu phải tăng cường sự phối hợp cũng như tham mưu cho các cấp chính quyền để giám sát chặt chẽ mọi hoạt động khai thác, kinh doanh, buôn bán nông lâm sản trên địa bàn.
Thứ ba, thường xuyên thực hiện và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Thứ tư, từng bước làm trong sạch đội ngũ kiểm lâm, loại bỏ những cá nhân tha hóa biến chất, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Xin cảm ơn ông!
Mong có được sự hỗ trợ để cùng bảo vệ rừng "Nhân đây, tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan, chức năng cũng như người dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Và mong muốn lớn nhất là người dân thay đổi quan niệm về việc sử dụng các sản phẩm lâm sản, bởi nếu không có người mua sẽ không có người bán, chính nhu cầu của người dân đã kích thích làm gia tăng việc phá rừng để tìm kiếm nông lâm sản có giá trị". (Ông Đỗ Quang Tùng) |