Dân Việt

“Miệt vườn” ngọt lành nơi vùng cao: Sắp có một “Sa Pa” tương lai

Nguyễn Huy Hoàng 03/05/2018 06:06 GMT+7
Ở đồng bằng đất tốt, thuận nước tưới, việc có một miệt vườn đầy cây trái chẳng lấy làm lạ... Nhưng tít trên núi cao, quanh năm mây phủ lại có vùng trái cây sở hữu những loại quả ngon thì chỉ xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) mới có. Trước người Hồng Thái đã làm nức lòng giới sành ăn với đặc sản lê ngọt, hồng giòn, nay họ lại có thêm nhiều “thứ lạ”, vốn chỉ bán trong siêu thị lớn như dâu tây hay chè “quý tộc”...

Về “miền quả ngọt”

Nhiều người bảo lê Hồng Thái ngọt dần theo năm tháng, điều đó quả không sai. Đã có lần anh bạn tôi làm ở một tạp chí ẩm thực có tiếng tại Hà Nội lên tận vườn, trèo lên cây lê cao bằng ngôi nhà 2 tầng hái và “chén” hết 3 - 4 quả lê to bằng cái cốc. Ăn xong, bạn tôi thủng thẳng buông một câu đùa: “Quả ngọt mát nhưng thiếu vị thuốc… bảo vệ thực vật”. Tôi phải nói với anh, ở xứ này là vậy. Bà con sống trên núi cao nên cây trồng, vật nuôi toàn là đồ tự nhiên, nhờ “thuận mưa vừa nắng” mà cây cối đơm hoa, kết trái quanh năm.

img

img

  Người dân xã Hồng Thái thu hoạch lê. Ảnh: Huy Hoàng

Theo thống kê của UBND xã Hồng Thái, hiện toàn xã có trên 30ha cây lê, sản lượng trung bình trên 60 tấn quả mỗi vụ; diện tích mận và hồng giòn trên 10ha, chè hơn 60ha, được trồng ở hầu hết các thôn trong xã như: Khau Tràng, Pắc Khoang, Khuổi Phầy, Hồng Ba…

Ấy thế mà trước kia, lê Hồng Thái chỉ là loài cây dại, quả ăn rất chát và chua nên không có giá trị kinh tế. Bước ngoặt thực sự đến khi năm 2001, dự án trồng cây lê Hồng Thái được tỉnh Tuyên Quang giao cho Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện. Theo đó, giống lê dại được mang đi ghép với giống lê nổi tiếng của Lạng Sơn, sau nhiều lần thất bại thì giống lê mới được tạo ra với độ ngọt và năng suất tăng, vị chát giảm. Qua phân tích, thành phần dinh dưỡng của lê Hồng Thái chẳng kém gì những loại lê nổi tiếng khác, còn có phần thơm ngon hơn do được trồng ở khu vực núi cao, môi trường trong lành.

Đến Hồng Thái vào mùa hè, nhiều du khách gần như bội thực bởi được thưởng thức nhiều loại quả đặc sản như: Mận, hồng giòn, quả mâm xôi... Tất cả các loại quả đều có thể ăn cả vỏ mà không phải lo về thuốc bảo vệ thực vật.

Theo thống kê của UBND xã Hồng Thái, hiện toàn xã có trên 30ha cây lê, sản lượng trung bình trên 60 tấn mỗi vụ; diện tích mận và hồng giòn trên 10ha, chè hơn 60ha, được trồng ở hầu hết các thôn trong xã như: Khau Tràng, Pắc Khoang, Khuổi Phầy, Hồng Ba… Nhiều cây trồng đặc trưng của xứ lạnh như: Bắp cải, su su... được quy hoạch trồng vào mùa hè để cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Trong giai đoạn 2015-2020, huyện Na Hang cũng đã xác định mục tiêu xây dựng Hồng Thái thành vùng chuyên canh cây ăn quả lớn của địa phương với những loại cây đặc sản, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Nếm dâu tây trên mây

img

img

img

Ngồi xem tivi ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, người dân Hồng Thái không nghĩ một ngày thứ quả “xa xỉ” như dâu tây, chỉ có ở những siêu thị lớn, lại nảy mầm và đậu quả trên đất quê mình. Thế mà trong xã hiện có 2 hộ đang canh tác thử nghiệm loại cây này là hộ anh Triệu Văn Lành và Triệu Văn Phấy, dân tộc Dao, ở thôn Pắc Khoang, với diện tích trên 1.000m2.

Anh Lành kể, gia đình anh được Phòng NNPTNT huyện Na Hang hỗ trợ cây giống và phân bón để trồng hơn 400m2 dâu tây từ tháng 9.2017. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, dâu tây bắt đầu cho thu hoạch, dù giá bán lên tới 150.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Chỉ tính từ Tết Nguyên đán đến nay, số tiền bán dâu tây gia đình anh thu được đã bằng mấy vụ trồng ngô.

Anh Triệu Văn Phấy bảo, so với các cây trồng khác, dâu tây cho thu nhập cao hơn hẳn, việc nhân giống cũng không gặp khó khăn. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật phòng chống sâu bệnh nên loại cây xứ lạnh này đôi lúc khá “đỏng đảnh”, thỉnh thoảng “ốm vặt”. Anh Phấy tin chắc nếu được hỗ trợ kỹ thuật và có sự liên kết các hộ cùng trồng thành vùng tập trung, đầu tư vườn trồng theo tiêu chuẩn, chắc chắn trong tương lai không xa dâu tây sẽ là cây trồng chủ lực ở Hồng Thái, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Sở dĩ mới chỉ có 2 hộ trồng loại quả này vì đây là 2 hộ tham gia dự án trồng thử nghiệm dâu tây do Phòng NNPTNT huyện Na Hang triển khai thực hiện. Sau khi trồng thử nghiệm thành công, huyện sẽ nhân ra diện rộng, cung cấp thêm một sản phẩm cho khách du lịch lựa chọn.

Khi đến thăm vườn dâu tây Hồng Thái, bạn mới thấy thực sự thú vị. Bởi đang đứng giữa mênh mông núi rừng, vừa thưởng thức những quả dâu tây căng mọng, ngọt dịu vừa phải tránh những đám mây bay sàn sạt xung quanh, cảm giác như đứng giữa chốn “thiên đường”.

Dáng dấp một “Sa Pa” tương lai

Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Bàn Tiến Sỹ cho biết, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm gần một nửa so với đầu nhiệm kỳ (năm 2015), còn 29,7%, đang phấn đấu giảm tiếp xuống còn 18,71% vào cuối năm nay. Xã đã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới, đang triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định khai thác tiềm năng để phát triển du lịch là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh. Đó chắc chắn là động lực, thời cơ để không chỉ Hồng Thái và nhiều địa phương khác trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chính vì vậy, việc xã Hồng Thái phát triển, nhân rộng những sản vật của địa phương chính là “đi tắt đón đầu” trong chiến lược phát triển du lịch. Hy vọng, với việc sở hữu phong cảnh đẹp, khí hậu gần giống với một số “thủ phủ” du lịch trong nước như Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Sa Pa (Lào Cai), sự phong phú trong văn hóa các dân tộc, cộng với hướng đi phù hợp, trong tương lai không xa Hồng Thái sẽ là một điểm đến hấp dẫn.

Tạo dấu ấn cho du lịch
UBND xã Hồng Thái đang tích cực triển khai các phần việc để chuẩn bị cho Lễ hội Du lịch vùng cao huyện Na Hang dự kiến sẽ diễn ra tại xã vào trung tuần tháng 9 năm nay. Tại sự kiện này sẽ có nhiều phần thi hấp dẫn của các xã trong huyện như: Thi hái lê, hái chè, thêu thùa trang phục truyền thống. Mỗi xã tham gia lễ hội sẽ có một gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch đặc trưng, nhiều hộ dân có điều kiện nhà ở sẽ đăng ký tham gia dịch vụ homestay… Chính vì thế, nếu tổ chức thành công, sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của xã Hồng Thái nói riêng và của huyện Na Hang nói chung đến với đông đảo khách du lịch.