Dân Việt

Đáng sợ: Thứ không nhìn thấy được nhưng có thể giết chết 7 triệu người mỗi năm

Danh Hùng (TH) 04/05/2018 07:30 GMT+7
Không thể nhìn thấy, không cầm nắm được, rất khó kiếm soát… mỗi năm ô nhiễm không khí có thể giết chết 7 triệu người trên thế giới. Con số giật mình này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thực sự là lời cảnh báo đáng sợ về môi trường sống càng ngày càng khó khăn của con người.

90% dân số thế giới hít phải không khí ô nhiễm

img

Không nhìn thấy nhưng không khí ô nhiễm hiện diện ở khắp mọi nơi. Ảnh CNN

heo Hướng dẫn Chất lượng Môi trường Không khí của WHO, giới hạn trung bình quan trắc định kỳ cho các hạt vật chất có đường kính dưới 2.5 micromet (PM2.5) là 10 μg/m3,ở dạng này hoặc nhỏ hơn thì các hạt vật chất đó có khả năng thâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch, gây ra những rủi ro lớn đối với sức khỏe con người.

Loại hạt li ti tồn tại trong không khí gồm có những chất như sulfat, nitrat và cacbon đen, được tạo ra chủ yếu bởi xe hơi và xe tải lưu thông trên đường, các nhà máy công nghiệp, nhà máy điện và nông nghiệp. "Nhiều siêu đô thị trên thế giới có nồng độ PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn của WHO tới 5 lần, đồng nghĩa với việc người dân ở đây chịu rủi ro sức khỏe rất lớn", Tiến sĩ Maria Neira, giám đốc Ủy ban Y tế Công cộng, Môi trường và Ảnh hưởng của Yếu tố Xã hội tới Sức khỏe (WHO) nói "Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà chúng ta đang đối mặt".

img

Ô nhiễm không khí - "sát thủ" vô hình có thể giết chết 7 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ảnh IT

Người dân châu Á và châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Hơn 90% số ca tử vong ở khu vực này có liên quan tới không khí ô nhiễm. Peshawar và Rawalpindi ở Pakistan, Varanasi và Kanpur ở Ấn Độ, Cairo ở Ai Cập là những đô thị có nồng độ ô nhiễm cao nhất. Một số thành phố ở Mỹ, châu Âu và phía đông Địa Trung Hải cũng có nồng độ ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn của WHO.

Một nguồn ô nhiễm không khí khác, vấn đề chủ yếu tại các khu vực đang phát triển, là ô nhiễm trong nhà. Theo WHO, hơn 40% dân số thế giới không được tiếp cận với việc dùng nhiên liệu sạch để nấu ăn và thắp sáng. Họ sử dụng gỗ, phân khô hoặc than để nấu nướng và sưởi ấm, tạo ra bụi không khí trong nhà. Những cải tiến trong công nghệ năng lượng không bắt kịp tăng trưởng dân số, là nguyên nhân của 3,4 triệu ca tử vong do ô nhiễm trong nhà năm 2016,  với đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em.

Theo bà Neira, một tín hiệu khả quan là nhiều thành phố đang quan tâm và giám sát chất lượng không khí. Dữ liệu kịp thời và đầy đủ sẽ giúp ích cho chính quyền kịp thời làm sạch không khí. 

Càng nước nghèo càng ô nhiễm

img

Các quốc gia nghèo và đang phát triển sẽ đối diện với nguy cơ ô nhiễm cao hơn. Ảnh CNN

Cứ 9 trong 10 người tiếp xúc với mức ô nhiễm không khí cao có thể bị ung thư hoặc các bệnh về tim mạch. Những khu vực ô nhiễm không khí ở mức cao nhất là phía đông Địa Trung Hải và các nước Đông Nam Á, với một số khu vực, lượng độc tố trong không khí cao gấp 5 lần giới hạn cho phép của WHO. Người nghèo cũng là đối tượng dễ tổn thương nhất của tình trạng này.

Ô nhiễm không khí không chỉ xuất hiện tại các thành phố đông dân cư, với nền công nghiệp phát triển. Khoảng 3 tỷ người trên khắp thế giới đang chịu nguy hiểm từ khói phục vụ nấu nướng và các đám cháy. Ô nhiễm không khí có nguồn gốc từ nhà bếp gây ra cái chết của 3,8 triệu người trong năm 2016.

img

Việt Nam nằm trong khu vực các quốc gia có không khí ô nhiễm nặng nề nhất thế giới. Ảnh IT

"Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả nhân loại nhưng người nghèochịu tác động nặng nề nhất. Nếu chúng ta không hành động khẩn cấp về ô nhiễm không khí, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được các chỉ tiêu của phát triển bền vững", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo của WHO, những nước ít ô nhiễm nhất lại là những nước giàu, với nền kinh tế phát triển. Năng lượng sạch được coi là giải pháp then chốt nhằm giảm ô nhiễm không khí ở những quốc gia này.

Các chuyên gia gợi ý nhiều biện pháp giảm ô nhiễm không khí tại địa phương, như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng, thay vì lái xe. Ở trong nhà khi mức độ ô nhiễm ngoài trời lên cao. Lắp thiết bị lọc khí trong nhà cũng giúp giảm ô nhiễm.