Dân Việt

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Khai tử xăng A95 là bắt ép người tiêu dùng

Phi Long 04/05/2018 13:55 GMT+7
Thông tin đề xuất khai tử xăng RON95 với mục đích “hỗ trợ” cho xăng E5, khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng vì cho rằng sẽ không được lựa chọn loại xăng mà họ mong muốn cho phương tiện của mình.

img

Khai tử xăng A95 thì bỏ luôn xe tay ga và xe động cơ số? (Ảnh: IT)

60% dân số vẫn sử dụng xăng A95

Anh Nguyễn Ngọc Cường ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, nếu khai tử xăng A95 thì bỏ luôn kinh doanh xe tay ga và xe số động cơ phun xăng điện tử. Các cơ quan chức năng trước khi có đề xuất thì cần xem lại những vấn đề tác động sau đó. Hay chỉ vì những người đi ô tô không cần xăng A95 mà họ đề xuất như vậy, trong khi thống kê có khoảng 90% người dân Việt Nam vẫn đi xe máy? 

"Ai đã từng đổ xăng E5 rồi sẽ thấy, xe không bị chết máy giữa đường thì cũng bị hụt ga bởi tiêu chuẩn cho 2 dòng xe này là A95.  Nhiều khách hàng đem xe vào hãng mới ngỡ ngàng khi biết xe hư hỏng là do xăng sinh học không phù hợp, pha nước với cồn quá nhiều “đầu độc” động cơ xe”, anh Cường nói.

Thực tế cho thấy, sau một thời gian “xóa sổ” xăng A92 và thay thế bằng xăng E5 thì nhiều người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng vào loại xăng này. Rất nhiều người vẫn phàn nàn về tình trạng xe hay chết máy, đi xe hay bị giật cục, không bốc...nguy cơ bị hư hỏng máy từ loại xăng xinh học E5 là cao hơn so với xăng A92 và A95...

Là một doanh nghiệp lớn kinh doanh xăng E5, nói về loại xăng mới đưa ra thị trường này, ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Petrolimex cho rằng: “Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc bán xăng E5. Tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5, bởi dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều”.

Ông Năm cũng phân tích, một trong những khó khăn khi triển khai xăng E5 là do độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng.  Mặt khác, việc triển khai của nhiều thương nhân đầu mối chưa thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó, giá sắn trong nước đang tăng cao làm tăng giá thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất cồn E100, khiến chi phí phối trộn xăng E5 cũng bị tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905 m3. Trong đó xăng E5 đạt khoảng 593.609 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 42%; xăng RON 95 đạt khoảng 836.296 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 58%.

Mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết:”Ngay từ đầu khi thực hiện bán xăng sinh học E5 RON 92 ra toàn quốc, tại Hội thảo về sử dụng nhiên liệu sinh học, tôi cũng đã nêu ra những băn khoăn, lo ngại về nguồn cung nguyên liệu cũng như giá cả có thể không ổn định. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước đưa ra là giá rẻ hơn, thân thiện môi trường, nguồn cung nguyên liệu ethanol đảm bảo (các nhà máy sẵn sàng, công suất đủ đáp ứng). Bây giờ thế nào? Sao chỉ có nhà cung cấp cồn E100 của công ty TNHH Tùng Lâm hoạt động”, ông Hùng băn khoăn.

Nói về việc "khai tử", xăng A95 khiến cho dư luận có nhiều băn khoăn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đó mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp, hiện Bộ chưa có kế hoạch hay lộ trình rõ ràng cho việc xóa bỏ hoàn toàn xăng A95 trong thời điểm này.

Theo ông Hùng, nếu nguồn cung không đảm bảo thì đương nhiên giá thành sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Nguyên liệu đầu vào tăng, giá sản phẩm đầu ra phải tăng. “Giá cả và quyền được lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng là những vấn đề không thể xem nhẹ, cơ quan quản lý cần phải giải quyết trước khi tính tới câu chuyện thay thế hoàn toàn xăng RON 95 bằng E5 RON 95, tránh tình trạng giá xăng lên không kịp trở tay. Ai cũng hiểu xăng tăng giá, cước vận tải, giá hàng hoá cũng tăng theo, tác động không nhỏ đến đời sống người tiêu dùng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phân tích: Lâu dài chúng ta có thể sử dụng các loại xăng sinh học để đạt được một số mục tiêu, trong đó có mục tiêu bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp (những loại để sản xuất ra etanol pha trộn với xăng). Đó là xu hướng mà các nước trên thế giới đã đi, hiện nhiều nước đã đi qua xăng E10, E15.

“Về lâu dài vẫn phải đi theo hướng này, tuy nhiên trong điều kiện trước mắt Việt Nam vẫn chưa có khả năng làm được ngay theo đề xuất của doanh nghiệp là khai tử RON 95”, ông Thỏa nói.

Theo ông Thỏa, nguyên nhân chưa thể “khai tử” xăng A95 ngay thời điểm này là do các nhà máy sản xuất ethanol hiện nay đang có vấn đề (chỉ có một đơn vị sản xuất), cho thấy sản lượng cung cấp chưa có đủ. Nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu dẫn tới bị phụ thuộc, không đảm bảo mục tiêu góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Mặt khác, người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng xăng E5 RON 92, thể hiện thị phần chưa áp đảo xăng khoáng A95. Cơ quan quản lý cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng, chứng minh xăng sinh học tốt cho động cơ. Kể cả sau này có E5 RON 95, Nhà nước cũng cần phải chứng minh chất lượng với người tiêu dùng.

Cũng theo ông Thỏa, giá cả của loại xăng E5 phải hấp dẫn người tiêu dùng so với xăng khoáng.Tuy nhiên, thị trường nhiên liệu nên để người tiêu dùng được lựa chọn. Đấy là cách làm hợp lý nhất và tôn trọng người tiêu dùng, chứ không phải cơ quan quản lý và doanh nghiệp thống nhất bỏ xăng khoáng là bỏ, sau đó buộc người tiêu dùng sử dụng. Như vậy là bắt ép người tiêu dùng mà không có giải thích, chứng minh cái nào tốt hơn.

Trước lo ngại của hàng triệu người tiêu dùng về nguy cơ không được lựa chọn loại xăng cần dùng, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Thông tin bỏ xăng A95 mới chỉ là đề xuất của Saigon Petro tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với các đầu mối kinh doanh xăng dầu về tình hình triển khai xăng sinh học E5 RON 92 nhằm đảm bảo đúng lộ trình, đúng mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng.

“Sau cuộc họp này, Bộ Công thương đã tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp không chỉ về đề xuất sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON 95, mà các kiến nghị về thuế bảo vệ môi trường, chênh lệch giá xăng R5 và RON 95...sẽ được trình lên lãnh đạo Bộ Công Thương để lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói.