Dân Việt

Pakistan nổi giận với Mỹ và NATO

28/11/2011 06:43 GMT+7
(Dân Việt) - Mối quan hệ giữa các đồng minh vốn rất thân cận Pakistan- Mỹ - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất ngờ nổi sóng sau khi lực lượng NATO bị tố đã nã súng giết nhầm 26 binh lính Pakistan.

Đóng cửa biên giới

Cuộc tấn công nói trên diễn ra vào ban đêm ở điểm kiểm tra an ninh Salala, cách biên giới Afghanistan chỉ khoảng 2,5km, lúc 2 giờ sáng 26.11, giờ địa phương. Quân đội Pakistan nói trực thăng và máy bay tiêm kích đã bắn phá hai điểm kiểm soát cách nhau khoảng 300m trên một đỉnh núi ở biên giới, làm 26 người thiệt mạng và 13 người bị thương.

img
Người dân Pakistan xuống đường ngày 27.11 để phản đối vụ tấn công của NATO.

Các quan chức Pakistan khẳng định vào thời điểm cuộc không kích, không có hoạt động quân sự nào diễn ra trong vùng và hầu hết binh sĩ Pakistan đang ngủ say.

Tình hình trở nên căng thẳng hơn, chiều 26.11 (theo giờ địa phương), Pakistan đã ra lệnh xem xét lại tất cả những thỏa thuận với Mỹ và NATO, bao gồm các hoạt động ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo.

Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp bất thường của Ủy ban Quốc phòng nội các (DCC), gồm các bộ trưởng cấp cao và tư lệnh quân đội, do Thủ tướng Yousuf Raza Gilani chủ trì, sau khi Pakistant khẳng định 26 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công xuyên biên giới của NATO.

Ủy ban này đã ra quyết định cắt các đường tiếp vận của NATO sang Afghanistan qua đường Pakistan. Một người phát ngôn của NATO thừa nhận “rất có thể” máy bay của NATO phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công nói trên, ở khu vực ngay gần biên giới với Afghanistan.

Văn phòng Thủ tướng Pakistan nêu rõ: "DCC quyết định chính phủ sẽ tiến hành lật lại và rà soát toàn bộ chương trình, hoạt động cũng như những thỏa thuận hợp tác với Mỹ/NATO/ISAF (Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế), gồm ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo".

Ngoài ra, DCC cũng giữ nguyên quyết định được đưa ra cùng ngày là đóng cửa biên giới đối với các xe tải tiếp tế của NATO, đồng thời yêu cầu Mỹ rời khỏi một căn cứ không quân ở sa mạc mà báo chí cho hay được sử dụng làm trung tâm phát động các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bí mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở khu vực biên giới của Pakistan với Afghanistan.

Thông báo khẳng định: "DCC quyết định đóng cửa, với hiệu lực tức thì, các tuyến tiếp tế hậu cần của NATO/ISAF. DCC cũng quyết định yêu cầu Mỹ bỏ trống căn cứ không quân Shamsi trong vòng 15 ngày".

Xét lại quan hệ

Liên quan vụ NATO không kích khu vực biên giới Pakistan, theo chỉ đạo của Thủ tướng Syed Yusuf Raza Gilani ngày 26.11, Bí thư Đối ngoại Pakistan đã triệu Đại sứ Mỹ tại Islamabad đến để trao công hàm phản đối chính thức vụ việc khiến 26 binh sĩ Pakistan thiệt mạng.

Pakistan từng đóng cửa biên giới với Afghanistan năm 2010 sau khi máy bay trực thăng của NATO giết nhầm hai binh sĩ của họ. Quyết định của Islamabad khiến nhiều đoàn xe vận tải của NATO mắc kẹt giữa đường. Những phần tử vũ trang Hồi giáo đã tận dụng cơ hội và tấn công những đoàn xe. Mãi 10 ngày sau Pakistan mới mở lại biên giới do Chính phủ Mỹ có lời xin lỗi.

Mỹ ngay lập tức đã đưa ra cam kết sẽ điều tra cuộc không kích được cho là của NATO. Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã bày tỏ "lời chia buồn sâu sắc nhất đến những mất mát này", đồng thời hoàn toàn ủng hộ "ý định lập tức tiến hành điều tra vụ việc".

Theo tuyên bố chung, bà Hillary, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey và Tư lệnh lực lượng liên quân do NATO đứng đầu tại Afghanistan John Allen đều gọi điện cho những người đồng cấp Pakistan sau vụ tấn công chết người trên. Tuyên bố còn cho biết Đại sứ Mỹ tại Pakistan Cameron Munter cũng đã tiến hành các cuộc gặp khẩn cấp với giới chức Pakistan ở Islamabad.

Cũng theo tuyên bố, khi liên lạc với những người đồng cấp Pakistan, các nhà lãnh đạo ngoại giao và quân sự Mỹ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác Mỹ - Pakistan vì lợi ích của nhân dân hai nước. Họ cũng khẳng định sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với những người đồng cấp Pakistan để giải quyết những thách thức đang diễn ra.