"Con chim có bầy, con người có bạn/Hai mình hợp nhau, chọn ngày tông ngó". "Tông ngó" là cùng nhau kết nghĩa anh em, không phân biệt sang hèn miễn là phải cùng giới (cùng là nam hoặc cùng là nữ)...
"Tục tông ngó tồn tại ở bản Tày này từ nhiều đời nay và thời nào cũng được bà con nâng niu, trân trọng bởi nét đẹp giàu tính nhân ái của nó. Mối quan hệ của hai người sau khi đã được nâng lên mức độ tông ngó với nhau sẽ trở nên thân thiết, gắn bó, đôi lúc còn thắm thiết hơn cả họ hàng. Tôi có một người anh tông ngó từ tuổi đôi mươi, nay cả hai đều đã bát tuần, vậy mà vẫn quấn quýt với nhau như ruột thịt..." - cụ Nông Anh Hòe ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn khoe.
Nhờ “tông ngó”, nhiều đôi bạn Tày thân nhau đến trọn đời. |
Theo phong tục, hai người chỉ có thể chính thức được công nhận đã kết nghĩa sau lễ chứng kiến do hai bên cha mẹ, ông bà, anh chị em cùng dự tại nhà của một trong hai người. Lễ không cần cầu kỳ, chỉ gồm: Gà một con, rượu một chai, gạo nếp một cân, hoa quả dăm loại thêm vài gói bánh kẹo... để bữa ăn chung thêm rôm rả.
Đúng vào giờ lành của ngày tốt đã chọn, sau khi được phép của người cao niên nhất họ, lễ vật biện sẵn được hai người nâng để đặt lên bàn thờ gia tiên. Hai nhân vật chính của lễ "tông ngó" khăn áo chỉnh tề cùng thắp hương khấn báo với tiên tổ, các đấng thần linh chứng giám và phù hộ cho mối quan hệ kết nghĩa giữa hai bên được vững bền, thắm thiết. Nếu cây hương trên bàn thờ cháy hết, tức là lễ đã được nhận, người nhiều tuổi hơn sẽ là anh (hoặc là chị). Kể từ thời khắc đó, hai người bạn kết nghĩa coi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng trong nhà, trong gia tộc của nhau như của mình.
Trách nhiệm của những người đã "tông ngó" với nhau thể hiện rõ nhất trong các sự kiện tang ma hay cưới hỏi cả hai bên, họ đều phải gánh vác giống như của nhà mình. Những cụ cao niên trong các bản làng bảo rằng, mối quan hệ của "tông ngó" phải được duy trì ít nhất là 1 đời người, có nhiều cặp còn tiếp tục đến đời con và hai, ba đời sau nữa...
Tâm sự về tập tục đẹp của quê hương mình, chị Nông Thị Rin - cán bộ phụ nữ xã Thượng Bằng La thổ lộ: "Tôi và người em bản bên làm lễ tông ngó đã 10 năm nay, từ đó chúng tôi coi nhau như chị em ruột thịt, mọi công việc của hai nhà như công việc của mình. Mỗi người giờ đã có gia đình riêng nhưng vợ chồng, con cái chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại thăm nom, giúp đỡ nhau những niềm vui, nỗi buồn, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Chỉ mong các con của chúng tôi sau này cũng tìm được bạn tốt như của bố mẹ và tục tông ngó có ý nghĩa nhân ái, tốt đẹp của bản làng mãi được gìn giữ...".
Vĩnh Minh