Dân Việt

Đề xuất khai tử xăng A95: DN “quay ngoắt 180 độ” nói đi hỏi Bộ Công Thương?

Thanh Xuân 05/05/2018 13:54 GMT+7
Sáng ngày 5.5, PV Dân Việt đã trao đổi với đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro), về lý do vì sao lại có sự thay đổi đề xuất 180 độ, lúc thì muốn hồi sinh xăng A92, khi thì lại muốn khai tử luôn cả xăng A95.

img

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Minh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết: “Anh chỉ phát biểu với Bộ Công Thương, Bộ đưa thông tin ra ngoài thì em đi hỏi Bộ Công Thương. Anh chỉ đưa ra lộ trình chứ chẳng có gì mới”, ông Hà nói.

Phóng viên có hỏi vì sao lộ trình lại thay đổi liên tục 180 độ chỉ trong một thời gian ngắn, trước đó là đề xuất cho hồi sinh xăng A92 vào đầu tháng 3, giờ lại muốn khai tử luôn xăng A95, ông Hà cho biết: “Không phải, khi đó chỉ nói là hao phí xã hội do chuyển sang E5, ý đó đã đẩy lên thành cho hồi sinh A92 nên tôi không dám phát biểu gì nữa”.

Hiện tại, dư luận đang xôn xao về việc một số doanh nghiệp đề xuất tiếp tục “khai tử” loại xăng khoáng RON95 đang bán trên thị trường trong điều kiện tiêu thụ xăng E5 đang gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đã xác nhận thông tin này tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ và cho biết “trực tiếp là Saigon petro đề xuất chỉ bán E5 và E5 RON95 gồm 95% RON95 và cộng thêm 5% Etanol thay vì bán RON 95 như hiện tại…”.

Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, không ít người tỏ ra lo ngại bởi hiện nay họ còn chưa đủ thông tin để hiểu về loại xăng E5 đang được bán trên thị trường nên vẫn lựa chọn xăng khoáng RON 95 để có thời gian tìm hiểu và chờ đợi nhiều hơn các thông tin từ phía nhà quản lý.

Thông tin này cũng đang thực sự gây ra bức xúc cho phần lớn người tiêu dùng. Bởi nếu đề xuất nói trên của DN được chấp thuận, người tiêu dùng Việt Nam sẽ không còn lựa chọn nào khác, họ buộc phải sử dụng xăng sinh học E5 thay vì vẫn có hai lựa chọn như hiện nay: Hoặc xăng khoáng RON 95 hoặc xăng sinh học E5.

“Tôi thật ngạc nhiên với đề xuất này của doanh nghiệp nhưng nếu cơ quan quản lý mà thông qua đề xuất thì thử hỏi còn đâu là kinh tế thị trường? Đã là kinh tế thị trường thì phải để cho người dân có quyền được lựa chọn chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp mãi được”, chị Hoàng Thanh Huế ở phường Hàng Gai (Hà Nội) chia sẻ.

Một thực tế cho thấy là từ khi triển khai xăng sinh học đến nay cũng khoảng hơn 5 năm, song xăng sinh học E5 vẫn chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Ngay cả trước khi xăng khoáng A92 bị “khai tử”, mặc cho xăng sinh học E5 được các DN triển khai bán với giá thấp hơn nhưng người dân vẫn chỉ sử dụng xăng A92. Điều này buộc nhà quản lý phải đi đến quyết định loai bỏ hoàn toàn xăng khoáng A92.

Hiện tại, trên thị trường sẽ chỉ còn hai lựa chọn cho người tiêu dùng: Hoặc xăng khoáng RON 95 hoặc xăng sinh học E5. Tuy nhiên, nếu nhà quản lý đồng ý với đề xuất của doanh nghiệp thì vô hình đã “cắt đứt” sự lựa chọn của người tiêu dùng.Điều bất ngờ nhất cho người tiêu dùng chính là Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro),  đã đưa ra đề xuất cơ quan chức năng nên loại bỏ xăng A95 chỉ dùng E5 là mâu thuẫn với chính đề xuất trước đó là cho hồi sinh xăng A92. Qua đó cho thấy, sau khi ý tưởng đề xuất cho hồi sinh xăng khoáng A92 không được chấp thuận, doanh nghiệp này đã “quay ngoắt 180 độ” để chuyển sang một đề xuất hoàn toàn ngược lại với chính mình.

Trước đó, vào đầu tháng 3,  ông Trần Thế Truyền - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro), đã ký công văn kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính một số chính sách có liên quan đến xăng sinh học E5.. Cụ thể, ông Truyền đã đề xuất về việc nên cho sử dụng lại xăng A92 do sản lượng xăng sinh học E5 được tiêu thụ quá thấp, dẫn đến gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng .

Lý giải về đề xuất trên, Saigon Petro cho biết đến nay cả người tiêu dùng lẫn nhà bán lẻ đều không mặn mà với xăng sinh học E5. Lượng tiêu thụ xăng E5 của các DN  tăng so với năm 2017 nhưng tỉ trọng chiếm thấp. Sản lượng tiêu thụ xăng E5 của các cửa hàng kinh doanh chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.

Đại diện Saigon Petro cũng dẫn số liệu tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cho thấy tỉ trọng bán xăng E5 chỉ khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ, còn lại là xăng A95 chiếm khoảng 70%. Trong khi trước đó, xăng A92 chiếm hơn 65%. Thậm chí có đơn vị chỉ kinh doanh xăng A95 nên tỉ lệ xăng E5 nói chung trên toàn thị trường còn thấp hơn.

Dư luận băn khoăn, không biết Saigon Petro có những “toan tính” gì mà chỉ trong vòng 2 tháng lại liên tục có những đề xuất trái ngược hoàn toàn với nhau, lúc thì muốn hồi sinh xăng khoán A92, khi thì lại muốn xóa bỏ luôn xăng khoáng A9%?