Những tiết mục trình diễn đặc sắc nhất sẽ có mặt trên sân khấu Làng văn hóa các dân tộc Đồng Mô và được truyền hình trực tiếp từ 20h ngày 28.11 trên các kênh VTV2, VTV5...
Thí sinh dân tộc Tày. Ảnh: Hồ Phương Phúc |
Cuộc "sàng lọc" quy mô
Từ ngày 25 đến 28.11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), 255 thí sinh đại diện cho 54 dân tộc đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước đã có những buổi trình diễn giới thiệu những nét tinh hoa đặc trưng trong các trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những trang phục quá đỗi thân quen đã trở thành "quốc phục" như áo dài, hay chiếc áo tứ thân đã gắn liền với hình ảnh "liền anh, liền chị" trong câu hát quan họ của người Kinh, khán giả hết sức thích thú nhìn ngắm trang phục của các dân tộc anh em trên sân khấu.
Nhiều người ấn tượng với trang phục áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải của nam giới, áo năm thân, cài cúc bên nách phải, thường chỉ dài quá hông rất đặc trưng của nữ giới đồng bào dân tộc Nùng.
Bộ trang phục mang đậm chất Tây Nguyên của các chàng trai dân tộc Ba Na với áo cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy ngang, gấu áo màu trắng. Hay nét đặc trưng của người dân vùng sông nước Tây Nam Bộ với trang phục bà ba đen, khăn rằn trên đầu.
Những đường nét vừa lạ, vừa quen trong trang phục của dân tộc Hoa với áo ngắn, nút áo bên sườn phải kéo từ cổ xuống, cổ áo hơi cao, tay áo quá khuỷu tay mà người Việt quen gọi là "xường xám"... Tất cả tạo thành một bức tranh sinh động, muôn màu.
Theo bà Lò Thị Vương - Phó ban Dân tộc, Trưởng đoàn trình diễn trang phục tỉnh Lai Châu: “Lai Châu có 17 thí sinh, đại diện cho 8 dân tộc lớn. Để chuẩn bị tốt cho cuộc trình diễn này, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác về các thôn, bản sưu tập các trang phục đặc trưng nhất của từng dân tộc. Bên cạnh việc xin các mẫu trang phục về tự may, chúng tôi đã nhờ chính các già làng, trưởng bản am hiểu tự tay may và thêu".
Trình diễn để bảo tồn
Bên cạnh việc quảng bá, lựa chọn ra những bộ trang phục đặc trưng, "thuần khiết" đại diện cho bản sắc của 54 dân tộc Việt Nam thì việc gìn giữ, tránh tình trạng các trang phục chỉ còn xuất hiện trong các viện bảo tàng, nhà trưng bày... đang là bài toán khó với không chỉ của những người làm công tác quản lý mà còn với cả bà con đồng bào các dân tộc.
Em Hoàng Thị Lý - dân tộc Nùng (Lạng Sơn) chia sẻ: "Thực tế hiện nay, trang phục dân tộc dần bị hạn chế sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Khi đi học, chúng em mặc đồng phục giống các bạn người Kinh, còn trang phục dân tộc chúng em chỉ mặc vào dịp lễ hội".
Thật may, bên cạnh khó khăn trong việc bảo tồn các trang phục thường ngày của các dân tộc thiểu số ít người thì việc sở hữu một số lượng lễ hội khá lớn hiện nay đang là cơ hội tốt để đồng bào dân tộc có cơ hội phô diễn, giao lưu cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa ngàn đời của ông cha để lại.
Ông Phạm Thanh Hiền- Trưởng ban Dân tộc, Trưởng đoàn trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: "Đây là cuộc trình diễn được tổ chức lần đầu tiên và hết sức thiết thực cũng như là cơ hội để bảo tồn nhiều trang phục truyền thống đang có nguy cơ bị mai một".
Hoàng Minh