Kế thừa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo Đề án trình Hội nghị Trung ương 7, khóa XII sắp tới đề xuất hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để phù hợp với luật cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC). Liệu có Đề án này được thông qua có nâng cao chất lượng CBCCVC?
Về vấn đề này, Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.
Sao lại có chuyện “ngành đặc thù”?
Thưa ông, những bất cập hiện nay trong chính sách tiền lương của nước ta là gì?
- Nói về bất cập thì có nhiều, nhưng trước hết phải khẳng định rằng với mức lương hiện nay là quá thấp. Mục tiêu chúng ta đang bàn là phải đảm bảo đời sống của CBCCVC nhà nước hiện nay thì chưa thực hiện được, mới chỉ mấy chục %.
Theo tôi, mức lương hiện nay không đảm bảo đủ sống, nó vừa rắc rối lại cào bằng. Giờ chuyên viên 9 bậc, cao cấp 6 bậc, mỗi bậc thì lại không đáng bao nhiêu mà 3 – 5 năm mới tăng một lần, rất thấp.
"Ngành nghề nào cũng đòi đặc thù thì mới có tình trạng cứ điều chỉnh đâm ra hỗn loạn hết cả nên phải thiết kế lại" - ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Bên cạnh đó, bây giờ có cái rất bất hợp lý giữa các ngành nghề, rất nhiều ngành nghề đề xuất là đặc thù và có thêm hệ số nọ hệ số kia (phần trăm đặc thù).
Đặc thù thì ngành nào cũng có, vì bản chất của ngành nghề đó đã nói về tính chất công việc đặc thù của ngành đó. Giáo dục là giáo dục, Y tế là y tế, bản thân Giáo dục làm công tác đào tạo, giảng dạy; Y tế là phòng và chữa bệnh làm sao có đặc thù. Nên không có chuyện đặc thù, không sau này ngành này muốn đặc thù, ngành kia cũng muốn rồi có những ngành không đặc thù người ta rất băn khoăn. Cùng một công chức, cùng một viên chức lại có sự chênh lệch. Chúng ta chỉ có thể nói trong mỗi ngành nghề có những đặc thù riêng ví dụ như cùng ngành Giáo dục thì đặc thù ở vùng núi, hải đảo.
Ngành nghề nào cũng đòi đặc thù thì mới có tình trạng cứ điều chỉnh đâm ra hỗn loạn hết cả nên phải thiết kế lại. Cụ thể, là trả lương theo vị trí việc làm, theo từng ngành nghề. Ví như, nếu ngành Giáo dục họ thấy rất là quan trọng trong việc đào tạo ra con người thì anh có thể xếp vào bậc hưởng lương cao, còn hiệu trưởng, hiệu phó thì xếp lương theo vị trí việc làm.
Vừa rồi hệ số công chức chỉ có 25% nhưng bên Đảng, bên Mặt trận công chức lại được 30% thành 55%. Rồi có anh lại được thâm niên như thanh tra, kiểm tra, lực lượng vũ trang, dân sự nên lương rất cao.
Nếu lực lượng vũ trang trong chiến tranh, biên giới hải đảo thì không sao nhưng thực tế trong thời bình thì nhiều lực lượng không phải vũ trang như công an làm hành chính hay cán bộ công an quản lý về dân cư hộ khẩu, hộ tịch, lực lượng phòng chống chữa cháy, giữ trật tự thì đâu gọi là lực lượng vũ trang… Đây chỉ là lực lượng làm dân sự. Còn cái nào xét thấy nguy hiểm đến tính mạng thì sẽ cho vào một ngành nghề nào đó cao hơn. Đây chính là bất cập.
Siết chặt kỷ cương tăng năng suất lao động
Được biết, chúng ta đã nhiều lần thực hiện cải cách tiền lương. Theo ông, Đề án cải cách tiền lương được đưa ra bàn tại Hội nghị T.Ư 7, khóa XII lần này có ưu điểm gì và sẽ tạo ra động lực như thế nào?
- Chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nhưng không triệt để. Chúng ta phải đi vào những thiết chế cụ thể thì mới có thể khẳng định một cách toàn diện được.
Đề án nêu đã rõ quan điểm: “Tiền lương phải là thu nhập chính” bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình. Tôi cho đây là quan điểm rất đúng đắn. Định hướng chung bây giờ là như vậy, cố gắng khắc phục những tồn tại để cải thiện, nâng cao đời sống.
Trong chương trình cải cách hành chính nhà nước đã ít nhất 2 lần đều nhấn mạnh rằng, phải cải cách chính sách tiền lương, mục tiêu từ 2015, rồi đến mốc 2020, CBCCVC phải sống bằng lương nhưng thực ra vẫn chưa đạt yêu cầu. Vừa rồi tất cả các ngành đều kêu lương thấp, lương Thứ trưởng về hưu như chúng tôi chỉ bằng Trung tá của Quân đội.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, khi kỷ cương được siết chặt cùng đó năng suất lao động được nâng cao thì sẽ có nguồn vốn trả lương cho CBCCVC, lúc này đời sống CBCCVC sẽ được nâng lên. Ảnh: Thành An
Tôi đánh giá cao những đổi mới về chính sách tiền lương như quy định trong khu vực công, đề án bãi bỏ cách tính lương theo hệ số mà quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương. Nhà nước trả lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lí với tiền lương trên thị trường lao động. Do vậy, nếu cải cách theo hướng như Đề án nêu ra mà làm được thì sẽ khắc phục được những bất cập trên.
Cụ thể, nếu đề án được thông qua và triển khai thực hiện, thu nhập của CBCCVC sẽ nâng lên như thế nào? Nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quỹ tiền lương vốn đang được cho là khá eo hẹp hiện nay, thưa ông?
- Về đời sống được nâng lên như thế nào ta chưa nói trước được, nhưng với định hướng như thế ta tính mức lương nào đó phải đảm bảo cho công chức, viên chức. Như đã tính, ví dụ như hiện tại lương khoảng 2-3 triệu nhưng tới đây lương có thể khởi điểm có thể lên đến 9 triệu thì sẽ nâng lên hẳn. Tuy nhiên để tăng lương nó còn liên quan đến nhiều vấn đề như lấy nguồn tiền ở đâu, bộ máy phải tinh giản như thế nào?
Theo tôi, nguồn tiền thì có rất nhiều nguồn, ví dụ như không để thất thoát, đầu tư trọng điểm có hiệu quả, sử dụng tài chính công tốt, pháp chế thế nào để tránh thất thoát, tinh giản bộ máy hiệu lực hiệu quả thì sẽ có tiền.
Hiện tại chúng ta thất thoát rất nhiều, nguyên vụ AVG và Mobifone nếu không làm ra thì đã thất thoát cả nhiều nghìn tỷ đồng. Không chỉ vụ AVG mà còn nhiều vụ khác đã thất thoát rất nhiều nghìn tỷ… Do đó pháp luật nhà nước cần phải chặt chẽ.
Về vấn đề này tôi tin rằng khi kỷ cương được siết chặt cùng đó năng suất lao động được nâng cao thì sẽ có nguồn vốn trả lương cho CBCCVC, lúc này đời sống CBCCVC sẽ được nâng lên. Mặc dù khó nhưng vẫn phải quyết tâm làm, không còn cách nào khác, không thể để bùng nhùng như thế được.
Xin cảm ơn ông!