Cần kỷ luật chứ không phải xúc phạm
Câu chuyện bắt đầu khi cô giáo yêu cầu học viên nộp phạt vì vi phạm quy định của lớp học, của trung tâm. Tuy nhiên, nam học viên này không đồng ý.
Sau hồi cự cãi, sự việc trở nên căng thẳng. Ngoài việc xưng “tao - mày”, giáo viên chửi bới học viên bằng nhiều từ ngữ thô tục. Cao trào nhất, vị giáo viên lớn tiếng: “Ra ngoài kia, có 1 hay 10 trung tâm cũng không thể biến một con lợn thành một con người được đâu”,v.v…
Qua tìm hiểu, người có những lời lẽ không hay với học viên của mình trong đoạn clip là bà Nguyễn Kim T., Giám đốc chuyên môn của trung tâm tiếng Anh M.
Một số học viên từng học cô giáo T cho rằng cô là người có chuyên môn tốt nhưng nóng tính. Ảnh cắt từ clip.
V.T.Linh, một cựu học viên từng học trung tâm tiếng Anh này, hiện là sinh viên năm hai Học viện Tài chính chia sẻ:
“Em đã từng học với giáo viên này 2 buổi phát âm. Em thấy dạy hay và nhiệt tình; cô có những biện pháp răn đe khiến cho bọn em chăm học hơn. Bản thân em cũng từng bị phạt, nhưng lỗi chỉ 5.000 đồng thôi. Những bạn bị phạt 100.000 đồng là đặc biệt rồi, có thể là do đi hay muộn hoặc không làm bài tập nhiều lần.
“Em thấy trong clip do bạn nam kia nói giáo viên lừa đảo nên cô mới tức giận như vậy. Ai trong hoàn cảnh đó, làm ăn chính đáng bị nói là lừa đảo mà không tức giận. Tuy nhiên, rõ ràng là cả hai phía đều sai. Cô thì quá vội vã, nóng tính, còn bạn học viện thì lại quá cứng đầu”, Linh chia sẻ.
Tuy nhiên, nữ sinh này cũng nhìn nhận việc giáo viên văng tục, thậm chí chửi và so sánh với lợn là xúc phạm học viên và khó chấp nhận.
Từng học đúng giáo viên này dạy, Đặng H. C., quê ở Nam Định, hiện đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Mỏ- Địa chất chia sẻ:
“Cô T. này chỉ nóng tính và hay chửi học viên khi sai thôi. Còn sau khi học trình độ của em khá hơn trước nhiều. Khi tham gia lớp, cô cũng nói tính cách của cô là như vậy. Hình phạt đó là nội quy của lớp rồi và cũng được công khai ngay trên trang web của trung tâm và trong giáo trình học ngay từ đầu. Số tiền phạt đó sẽ được lớp trưởng giữ để cuối khóa liên hoan cả lớp.Trong trường hợp này cả 2 bên cùng sai, riêng giáo viên thì quá nóng tính”.
Anh Nguyễn Vương, 28 tuổi, người đi làm hiện đang theo học một trung tâm tiếng Anh ở khu vực quận Đống Đa cho rằng, nơi anh học cũng đưa ra những quy định nộp phạt, nhưng mức phạt 100 nghìn đồng/lần thì hơi nhiều.
“Trung tâm chỗ tôi học cam kết chuẩn đầu ra. Lớp chúng tôi cũng quy định nộp phạt 5-10 nghìn cho những lỗi đến muộn quá 15 phút, chưa làm hoặc làm thiếu bài tập,... Tuy nhiên, giáo viên cũng không gay gắt quá chuyện phải nộp phạt mà phụ thuộc ý thức của mỗi người. Giáo viên cũng nói rằng đây là hình phạt để người học thêm ý thức chứ không phải là “sát phạt”. Bản thân tôi cũng cảm thấy thoải mái với việc này bởi nó cũng tạo cho mình thêm động lực và ý thức trong việc học tập. Có thể ở trung tâm kia thu học phí cao, áp lực đầu ra nhiều hơn thì mới phải gay gắt đến vậy?”, anh Vương nói.
Anh Vương cho rằng, chửi bới xúc phạm học viên là không hay. Chưa kể trong lớp còn những học viên khác nữa và cần phải có sự tôn trọng người học. Tuy nhiên, người học cũng cần xem lại ý thức của mình.
“Như đoạn clip ghi lại thì có vẻ học viên này cũng nhiều lần không làm bài đầy đủ, trong khi tiếng Anh thì cần một sự liên tục. Nếu không đi học đầy đủ thì cũng rất khó để các trung tâm có thể đảm bảo cam kết đầu ra đối với người học. Không đi học cẩn thận, đến khi ra, đi thi không được thì có thể dẫn đến việc bắt đền hay làm ảnh hưởng uy tín của các trung tâm. Điều này cũng khiến cho giáo viên tại các trung tâm bực tức”.
Qua chia sẻ của nhiều phụ huynh trên mạng xã hội, khi theo dõi các clip trên youtube hay livetream của giáo viên T., giáo viên có năng lực, tuy nhiên cũng có thói quen nặng lời, thậm chí văng tục.
Khi điểm số là đích đến của chất lượng
Clip mắng học sinh thô lỗ được lan truyền đã gây ra sự bất bình của nhiều người khi nhìn nhận về những giá trị của giáo dục.
Anh Nguyễn Đoàn, một thạc sĩ tâm lý ở Hà Nội nêu quan điểm: Trong 10 năm gần đây, thị trường giáo dục Việt Nam cạnh tranh một cách khốc liệt. Sự cạnh tranh này diễn ra trong mọi lĩnh vực của giáo dục từ trường mầm non đến đại học, và các trung tâm đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ... cũng vậy. Và câu cửa miệng là “chất lượng”, còn có mấy ai quan tâm đến việc đi học “có được học nhân cách” hay không?
Ngay từ bậc mầm non, đã có phụ huynh yêu cầu, mong muốn “con mình phải biết đọc, biết viết” từ tuổi mầm non, và phụ huynh mới coi đó là chất lượng của giáo dục, là "đáp ứng nhu cầu". Ở các bậc học sau này, quan niệm “học ở đây thì phải giỏi cái này, môn này” của người học, của phụ huynh khiến việc học như một hợp đồng ký kết. Nghĩa là phải đảm bảo “chất lượng”, mà muốn vậy thì phải có sự cam kết thực hiện của 2 bên, và điều đó tạo áp lực cho cả phía người dạy.
Bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân, anh Vũ Mạnh Cường (Bộ Y tế) khẳng định: Cơ sở giáo dục chắc chắn phải là một nơi có văn hoá, trong đó giao tiếp và ứng xử có văn hoá giữa giáo viên và học sinh, sinh viên là điều bắt buộc. Bởi vậy, những hành vi mắng chửi, xúc phạm học viên hay tuỳ tiện đặt quy luật vô lối là không thể chấp nhận được.
Còn chị Thu Hà, một phụ huynh của 2 học sinh thì băn khoăn không hiểu sao rất nhiều thế hệ học trò “cuồng” các thầy cô được tiếng là dạy tiếng Anh giỏi, dù họ có cách tổ chức lớp học cũng như các hành vi không chuẩn mực sư phạm.