Truyện Thạch Sanh giữa đời thường
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo ở Hải Dương chủ nhân của tác phẩm tự họa chính cuộc đời của mình có tên "Thạch Sanh". Mới nghe qua cái tên đã có người bảo: "Ông này "ngộ cây" thật mất rồi. Bao cái tên đẹp trong hơn trăm thế cây cổ của các cụ không đặt, lại tự đặt ra cái tên chẳng giống ai...".
Rồi lòng đam mê và tâm huyết tác phẩm sâu nặng, cộng với tâm lý không muốn tác phẩm "tuột" khỏi tay mình nên hễ có ai hỏi thì anh Thạo hô tướng giá thật cao để nếu họ không yêu thích tác phẩm thật sự thì tránh xa ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tác phẩm tâm huyết này được anh đặt ngay trước cửa vườn trên một cái đôn cao ngất ngưởng cũng khác người. Nhìn từ xa hàng cây số đã nhìn thấy tác phẩm mờ mờ như những nhân vật trong phim "Tây Du ký" đi mây về gió. Ngay cả đến gần tác phẩm cũng chẳng nhìn thấy chi tiết một cách rất rõ ràng. Cách anh để cây cao như vậy cũng như một thử thách với những người yêu cây thật sự.
Ai chưa một lần nhìn kỹ tác phẩm trên như Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ là phải bắc thang lên "sờ tận gốc, trốc tận ngọn" mà nghe anh Thạo bày tỏ những ý tưởng cao xa về tác phẩm này phải có mặt trong bộ "sách đỏ" của làng cây Việt Nam trong vòng 5 năm tới thì bảo anh là "ảo tưởng", "mơ hồ".
Tác phẩm Thạch Sanh
Mấy chuyên gia đi cùng với Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ can ngăn ông đừng mua tác phẩm này vì nó không có "số" trong làng cây. Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ lại không nghĩ như vậy. Ông nghĩ muốn hiểu được tác phẩm phải đặt mình vào hoàn cảnh sáng tác cụ thể của người ta. Cuộc đời của người nghệ nhân nghệ sĩ đất Hải Dương này cũng đáng trân quý như một nhân vật Thạch Sanh giữa đời thường vậy. Anh tự họa tác phẩm này bằng cả máu, nước mắt, tâm sức, trí tuệ và cả linh hồn của chính anh ta nữa. Vì vậy người ta yêu quý tác phẩm đến tột cùng cũng là điều dễ hiểu. Có thể trong một tâm trạng như vậy nên có lúc người ta nói hơi quá nhưng không phải là không có cơ sở để tự hào. Chí ít anh ta đã vượt qua được cái bóng sáng tác, tạo hình cây cảnh theo tư duy lối mòn, theo con đường truyền thống, theo kinh nghiệm truyền nghề từ đời này qua đời khác...
"Tôi không mua cây Si Đá, tôi cũng chẳng mua tác phẩm này về giá trị vật thể mà tôi mua giá trị văn hóa phi vật thể kết tinh trong tác phẩm. Tôi rất tôn trọng những ý tưởng sáng tạo độc đáo, khác lạ, có ngôn ngữ tạo hình rất rõ nét. Rõ ràng nhìn vào tác phẩm này, khi để ở một độ cao thích hợp thì từ người già trẻ nhỏ, người am hiểu hay không am hiểu về cây cảnh nghệ thuật đều cảm nhận được những lớp giá trị tương xứng với trình độ của mình. Nhà thơ có thể tìm thấy ở đây những tứ thơ lãng mạn về tình yêu cuộc sống. Nhà điêu khắc thấy ở đây những hình khối biết nói. Người yêu Sinh Vật Cảnh thì thấy ở đây một tiểu cảnh hài hòa...Đây là một tác phẩm rất thuần Việt. Tự nó có thể giao tiếp được với nhiều người bằng những thứ ngôn ngữ rất riêng của nó. Vì thế sức sống của nó sẽ lâu bền trong đời sống và mối quan hệ với người xem, công chúng và cả người sưu tầm thưởng lãm nó...", Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ chia sẻ
Từ xa lạ họ trở nên là những người bạn của nhau trong cuộc sống
Hai vợ chồng Nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo rất bất ngờ về sự "giải mã" của vị khách mà trước nay anh chỉ mới biết tên trong làng cây. Từ sự kính phục đến sự nể trọng, anh Thạo quyết định trao lại tác phẩm mình rất trân quý trên cho “Bảo tàng Thọ Xuân” tại 189 Nghi Tàm, Hà Nội với niềm hạnh phúc tột cùng khi “đứa con tinh thần” của mình về đúng quý nhân hội đủ “Nhân – Duyên – Thiện – Đức”. Tất nhiên, không bao giờ Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ và bà Lê Triều Xuân lại dễ dàng chấp nhận việc nhận tác phẩm Thạch Sanh mà đôi vợ chồng trẻ Thạo Mai trân quý như chính cuộc đời và số phận của họ ở một mức giá mà không tương xứng với những gì họ đã hi sinh, cống hiến và dồn biết bao tâm lực cho tác phẩm này.
Cuộc giao dịch đã kết thúc tốt đẹp với rất nhiều đồn đoán về giá trị chuyển nhượng ở những mức giá cao ngất ngưởng khác nhau. Nhiều người đồng tình cho rằng, giá trị cuộc sống họ trao gửi cho nhau song hành với tác phẩm Thạch Sanh này còn lớn hơn rất nhiều giá trị thực mà mọi người đồn đoán.
Tác phẩm đẹp và tâm huyết chỉ tặng chứ không bán
Tác phẩm duối mini mang tên "Tấm lòng" của Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên ở Bình Định đã lọt vào cặp "mắt xanh" của rất nhiều người yêu cây cả nước. Một cây duối nhỏ có bộ rễ ảo diệu làm bao người ngây ngất. Đã có người sẵn sàng trả giá cao nhưng anh không bán vì đơn giản anh cũng rất thích nó. Có lần anh tâm sự: "Tác phẩm đẹp và tâm huyết lại có tên Tấm lòng nên chỉ tặng người yêu cây hơn mình và thực sự trân quý nó chứ không bán. Ai lại bán "Tấm lòng" có chăng chỉ là sự trao gửi nó cho người đam mê cây cảnh nghệ thuật thực sự...".
Tác phẩm duối "Tấm lòng"
Tinh thần này, được anh nhất quán trong từng thương vụ trao đổi tác phẩm. Phần nhiều những tác phẩm về với anh trước nhất là bởi nó vừa mắt anh, anh yêu thích, đam mê tìm kiếm về để tự chăm sóc và thỏa ước mong của riêng mình. Vì vậy, tác phẩm nào bán đi anh cũng nuối tiếc. Mỗi khi chuyển nhượng cho anh em bạn bè, anh rất cẩn trọng cân nhắc giá. Giá của cây trong nhiều trường hợp với anh là thước đo tình cảm. Anh xót xa khi thấy ai đó bị "chặt chém" khi sở hữu những tác phẩm để thỏa lòng đam mê như mình. Cũng vì tính cách này mà anh Ba Tuyên bị một số người không ưa cho lắm. Anh quan niệm tác phẩm về với người ta mình có thêm những mối quạn hệ, thêm bè bạn, anh em trong cuộc sống...
Vậy nên nhiều người thân quen với anh chẳng có gì lấy làm lạ khi anh quyết định tặng tác phẩm "Tấm lòng" cho vợ chồng doanh nhân Sơn Đặng và Nguyễn Hương chủ thương hiệu Thực phẩm Hương Sơn khi họ xác định mua tác phẩm này bằng mọi giá. Anh Ba Tuyên rất cảm động về một "cặp đôi hoàn hảo" đam mê cây cảnh nghệ thuật đến si mê cháy bỏng như vợ chồng doanh nhân Sơn Đặng và Nguyễn Hương. Chỉ mới tham gia vào làng cây trong một thời gian ngắn mà vườn cây của anh chị hội đủ những tác phẩm của ba miền.
Doanh nhân Sơn Đặng và nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên
Gửi trọn tình yêu bên tác phẩm "Tấm lòng" mà anh cũng rất trân trọng với những mong tình cảm giữa những người yêu cây cảnh Bình Đình và Thủ đô Hà Nội ngày thêm bền chặt. Tác phẩm tượng trưng cho những điều anh muốn nói, muốn cảm ơn của đông đảo những người yêu cây cả nước đã dành cho nhà vườn Tuyên Mỹ Linh những năm qua:
Cây mang hình tượng tấm lòng
Gửi về miền Bắc những mong trưởng thành
Tình thâm nghĩa nặng rành rành
Cây đi lòng vẫn chòng chành nhớ nhung
Món quà là món quá chung
Gửi Hương Sơn để vui cùng làng cây.
Và còn rất nhiều...rất nhiều những câu chuyện thực tế cảm động trong làng cây cảnh nghệ thuật Việt Nam mà những người cầm bút như chúng tôi chưa kịp kể. Bên cạnh đó, cũng có người lúc nào cũng suy nghĩ thiệt hơn, toan tính phải có lợi mới làm hay mua bàn cây cảnh cũng dèm pha, kênh giá, ăn dơ móc ngoặc đủ kiểu...thì lại những người như một nữ doanh nhân của Hà Nội không ngần ngại mua một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật với giá rất cao để cứu giúp cảnh đời bất hạnh khi chủ nhân đang nằm trong bệnh viện không có tiền cấp cứu. Có đại gia đang trong cơn bĩ cực của vòng lao lý nhưng đã dành những giây phút bình yên cuối cùng để giúp đỡ những người kém may mắn. Có cả những người sẵn sàng trút toàn bộ tài sản tích góp cả một đời hoạt động cách mạng thanh bạch để cứu giúp người đồng nghiệp gần gũi lâm vào cảnh khốn cùng không lối thoát...
Câu nói: "Hãy nhìn thái độ họ mua bán cây, chơi cây và yêu cây thì biết họ là ai?" ngày càng được chứng nghiệm! Có người làm giàu bằng mọi giá. Có người coi giá trị tiền bạc cao hơn tất cả. Có người coi cây của mình là vàng còn của thiên hạ là củi rác. Lại có người coi nhẹ chuyện tiền bạc hơn kết nối giao lưu, duy trì nghĩa tình. Cũng không ít người coi cây cảnh hay những tác phẩm Sinh Vật Cảnh khác là thú bình sinh thanh cao "tu đạo" trong cuộc sống...