Dân Việt

Tin vui: Liên tiếp giành được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo béo bở

Thiên Hương 07/05/2018 20:00 GMT+7
Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết Việt Nam vừa trúng thầu hợp đồng xuất khẩu (XK) 130.000 tấn gạo sang Philippines sau kết quả công bố sáng cùng ngày của Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA).

Đây là hợp đồng "khủng" thứ ba về xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2018, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia với khối lượng lên tới 141.000 tấn. Tiếp đó, vào cuối tháng 3, Việt Nam lại giành được hợp đồng xuất khẩu gạo "khủng" tới 300.000 tấn, cũng cho Indonesia, đưa tổng khối lượng hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt được ở thị trường này đến cuối tháng 3 là 441.000 tấn.

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo còn nhiều triển vọng gia tăng khi doanh nghiệp trong nước đang tích cực tham gia đấu thầu bán gạo cho Hàn Quốc cũng như một số thị trường khác.

img

Việt Nam vừa giành được hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines với giá khá cao. Ảnh minh họa

Liên tiếp trúng thầu xuất khẩu gạo giá cao

Theo VFA, trong tổng số 250.000 tấn mà Philippines mời thầu, Việt Nam sẽ cung cấp 130.000 tấn, 120.000 tấn còn lại do các DN Thái Lan cung cấp. Trong đó, Việt Nam sẽ cung cấp 50.000 tấn gạo loại 15% tấm cho Philippines với giá 526,5 USD/tấn và 80.000 tấn gạo loại 25% tấm với giá 517,5 USD/tấn. Trong khi đó, cả 120.000 tấn gạo của Thái Lan đều là loại 25% tấm và bằng với giá gạo cùng loại của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch VFA cho biết các DN hai nước trúng thầu sẽ giao 100.000 tấn gạo loại 25% tấm từ nay đến trước 31/5.

100.000 tấn gạo 25% tấm còn lại muộn nhất vào ngày 16/5/2018 và 50.000 tấn gạo 15% tấm đến Philippines muộn nhất vào ngày 30/6/2018.

Mặc dù nếu so với giá tham chiếu của NFA đưa ra trước đấu thầu là 531 USD/tấn đối với gạo 15% tấm và 520,50 USD/tấn đối với gạo 25% tấm thì cả hai loại Việt Nam đều chào thấp hơn mức giá này, song ở một số thị trường khác, gạo XK của Việt Nam rất được giá.

Trong đó, XK gạo sang thị trường Chi Lê đạt mức cao nhất 834,5 USD/tấn, tăng 114%. Tuy nhiên, lượng gạo xuất sang thị trường này lại sụt giảm rất mạnh 95% và kim ngạch giảm 90% so với cùng kỳ.

Giá gạo XK sang một số thị trường cũng được giá tương đối cao như: Pháp 685 USD/tấn, giảm 26,5 %; Bỉ 660 USD/tấn; Ghana 606,2 USD/tấn, tăng 20,9%; Mỹ 601,4 USD/tấn, tăng 17,2%; Australia 653,7 USD/tấn, tăng 16,7%.

Trung Quốc hiện vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ gạo số 1 của Việt Nam, chiếm 27,7% trong tổng lượng gạo XK của cả nước, với 411.605 tấn, trị giá 216,55 triệu USD. Tuy nhiên so với quý I/2017, lượng gạo XK qua thị trường này vẫn giảm 22% về lượng và giảm 11,5% về kim ngạch. Chỉ có điểm đáng chú ý là giá gạo xuất sang Trung Quốc đã tăng 13,5%, đạt 526,1 USD/tấn.

Xét riêng trong tháng 3/2018, XK gạo sang Trung Quốc tăng rất mạnh 164,5% về lượng và tăng 170% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 216.761 tấn, tương đương 117,45 triệu USD.

img

Cơ cấu XK gạo sang một số thị trường trọng điểm trong quý I/2018. Nguồn: Tri thức trẻ

Theo các chuyên gia, từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường XK gạo của Việt Nam đang có nhiều khởi sắc, cơ hội còn lớn hơn trong thời gian tới khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.

Điều đáng mừng là cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao theo từng năm. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của nước ta liên tục tăng trưởng và thậm chí đang đạt mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn.

Mới đây, trong buổi tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với ông Masayoshi Fujimoto - Chủ tịch Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), DN này cho biết, đang triển khai dự án sản xuất gạo đặc sản, chất lượng cao tại Việt Nam, điều này hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội nâng cao chất lượng gạo XK, tăng kim ngạch XK sang Nhật Bản và các thị trường khác. 

Chuẩn bị có nhiều hợp đồng "béo bở" khác

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, DN đang cùng một vài đơn vị khác của Việt Nam đã chào thầu bán gạo cho Hàn Quốc. Ngoài ngoài Việt Nam, còn có Trung Quốc và Australia cũng tham gia.

img

Các chuyên gia dự báo cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam rất rộng mở. Ảnh minh họa

Theo ông Bình, Hàn Quốc mở thầu nhập khẩu 70.000 tấn gạo hạt ngắn (gạo Japonica), với thời hạn giao hàng là ngày 30/6. Kết quả dự kiến sẽ được công bố vào ngày 9/5 tới. 

Trong khi đó, theo tuyên bố của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA), quốc gia này đang tìm nguồn cung để nhập khẩu tiếp 250.000 tấn gạo từ các nước XK gạo lớn theo cơ chế Chính phủ - Tư nhân (G2P). Dự kiến hợp đồng này sẽ mở thầu vào ngày 22/5 và hạn chót để các nhà XK ở các nước chào thầu là trước 10 giờ cùng ngày.

Trước đó Tổng thống Philippines cũng đã ra tuyên bố quốc gia này cần nhập khẩu khẩn cấp 500.000 tấn gạo, trong đó, có 250.000 tấn nhập khẩu theo G2G (đã đàm phán xong) và 250.000 tấn theo G2P.

Dù chưa có thông báo chính thức từ VFA rằng DN trong nước có tiếp tục tham gia hợp đồng mới này của Philippines, nhưng với nguồn cung ứng khá dồi dào trong nước, không có lý gì các DN Việt Nam lại bỏ qua việc tham gia tiếp vào hợp đồng này.

Bộ Công Thương cũng xác nhận, cơ cấu gạo XK của nước ta đang tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp, tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường XK. 

Báo cáo của VFA cũng cho thấy, năm 2016, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp XK chiếm 7,27% tổng khối lượng XK toàn ngành và gạo trắng phẩm cấp trung bình chiếm 13,41%. Đến năm 2017 đã giảm khá nhiều với các con số tương ứng là 3,88% và 8,24%.

Theo dự báo của các chuyên gia, hiện nay, các loại gạo đặc sản, gạo nếp, gạo japonica ngày càng chiếm tỷ lệ cao và đóng vai trò quan trọng hơn trong tỷ trọng XK toàn ngành gạo Việt Nam. Các thị trường trọng điểm của nước ta như Trung Quốc, Ghana, Bờ Biển Ngà… được dự báo tiếp tục là những thị trường nhập khẩu phần lớn gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Do đó, dù diện tích trồng lúa đang dần thu hẹp (vụ thu - đông 2017 đã giảm khoảng 40.000 ha) nhưng nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh sản xuất các loại lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 6976, OM 4218, Long Hồ 8 và lúa thơm như Đài Thơm 8, Jasmine…