Dân Việt

Số phận buồn của thiên tài Alan Turing (Kỳ 1): Tài năng thất thế

Hoàng Trang 10/05/2018 20:29 GMT+7
Sinh thời, nhà toán học đầy tràn nhiệt huyết Alan Turing đã có nhiều đóng góp quan trọng cho lịch sử thế giới. Đáng buồn, ông quyết định tự tử lúc đang ở thời kỳ đỉnh cao của trí tuệ vì những định kiến của xã hội bấy giờ đối với người đồng tính.

TÀI NĂNG KHÔNG ĐƯỢC COI TRỌNG

Năm 1912, khi Alan Turing sắp sửa chào đời thì cha mẹ của ông đang công tác trong một cơ quan của Chính phủ Anh đặt tại thuộc địa Ấn Độ lúc bấy giờ. Mong muốn con mình được nuôi dạy tại nơi có điều kiện y tế và giáo dục phát triển hơn nên họ đã quay trở về London để sinh Alan. Sau đó, họ quyết định gửi gắm hai đứa con trai cho một cựu quân nhân về hưu chăm sóc để tiếp tục đi công tác. Phần lớn tuổi thơ của Alan và người anh trai tên John phải sống xa cha mẹ. Trí thông minh thiên bẩm của Alan đã bộc lộ ngay từ lúc lên hai, lên ba với khả năng tự học chữ và giải các câu đố.

img

Alan Turing tại trường Sherborne.

Lúc Alan 6 tuổi, cha mẹ cho ông học tại trường St. Michael's. Bà Hiệu trưởng của trường đã để ý thấy tài năng của Alan ngay từ bậc tiểu học, cũng giống như các giáo viên khác của ông sau này. Năm 13 tuổi, ông theo học Trường công Sherborne danh tiếng, đồng thời sớm bộc lộ sở thích với khoa học. Một vài giáo viên nhận ra trí tuệ của Alan song họ không hề coi trọng điều này. Chỉ trừ toán và khoa học thì môn học nào Alan Turing cũng xếp hạng chót. “Nếu cậu ta muốn trở thành chuyên gia khoa học thì cậu ta đang lãng phí thời gian ở một ngôi trường công lập”, thầy hiệu trưởng của Alan từng nói. Hệ thống giáo dục cứng nhắc ngày đó không khuyến khích niềm say mê của Alan nên ông buộc phải tự mình tìm hiểu những ý tưởng khoa học hiện đại, chẳng hạn như thuyết tương đối - vượt xa những thứ mà giáo trình Trường Sherborne giảng dạy. Mặc dù Alan Turing không phải “thành phần nổi loạn” ở trường học nhưng thầy hiệu trưởng vẫn nhận xét cậu học trò “chắc chắn là một rắc rối với bất kỳ trường lớp hay cộng đồng nào”.

Bỏ ngoài tai tất cả, ông tiếp tục thể hiện khả năng vượt trội ở những môn học yêu thích. 15 tuổi, Alan đã giải được toán bậc cao về hệ số các biến dù chưa từng học qua căn bản. Tiếp đến, ông bắt đầu tìm hiểu các nghiên cứu của thiên tài Albert Einstein, không những nắm vững mà Alan còn cố gắng theo tìm giải quyết thắc mắc của Einstein về một đoạn lý thuyết còn chưa rõ ràng trong Định luật chuyển động của Newton. Tại trường Sherbone, Alan có một tình bạn đặc biệt với cậu bạn Christopher Morcom - người được mô tả là “mối tình đầu” của ông. Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai thiếu niên có chung sở thích khám phá khoa học chính là động lực để Alan cố gắng theo đuổi niềm đam mê của mình cho tới tận sau này. Tuy nhiên Morcom lại sớm qua đời khi mới đôi mươi, để lại cho cậu bạn thân nỗi thương tiếc to lớn.

img

Phòng điện toán tại Đại học King's nay được đặt theo tên Alan Turing.

Năm 1931, Alan đỗ vào Đại học Cambridge chuyên ngành toán. Ba năm sau, ông tốt nghiệp loại ưu tú, đồng thời tiếp tục giành một suất nghiên cứu sinh tại Đại học King’s nhờ nghiên cứu về thuyết xác suất của mình. Với một thanh niên trẻ đồng tính luyến ái như Alan, môi trường tự do ở đại học nhìn chung là “dễ thở”. Ông chưa bao giờ giấu giếm con người thật của mình với tất cả bạn bè tại trường đại học, môi trường tồn tại như một “ốc đảo hiếm hoi” của sự chấp nhận đối với những người như ông.

Mọi thứ đã sẵn sàng để Alan theo đuổi một sự nghiệp xuất sắc trong ngành toán học thuần túy. Thế nhưng sự quan tâm đặc biệt của ông trong việc tìm kiếm các ứng dụng thực tế cho những ý tưởng toán học trừu tượng đã đưa đẩy cuộc đời ông theo hướng hoàn toàn khác nhau.

Năm 1936, nhà toán học này đã cho ra đời một bài chứng minh về "Các số có thể tính, với áp dụng trong Entscheidungsproblem", trong đó ông đã trình bày quan điểm của mình về một “cỗ máy phổ quát” (sau này gọi là máy tính Turing) có khả năng tính toán bất cứ vấn đề toán học nào. Đây chính là khái niệm trung tâm dẫn đến sự ra đời của máy tính ngày nay, dựa trên chứng minh của ông. Tại thời điểm đó, ông cũng quyết định sang Mỹ để lấy bằng Tiến sĩ toán học và mật mã tại Đại học Princeton ở bang New Jersey. Trở về Cambridge hai năm sau đó, nhà toán học kiêm nhà mật mã học này vào làm việc bán thời gian tại Trường Mật mã và Cơ yếu Chính phủ Anh (GC&CS) - một tổ chức chuyên trách giải mã các hành động chiến tranh của quân đội Đức.