Gửi tình yêu vào những mầm xanh
Cuối tháng 4 trong chuyến công tác dài ngày ra thăm Trường Sa tôi đã may mắn được gặp Phan Thanh Sang – Chủ tịch Hiệp Hội hoa Đà Lạt.
Gương mặt rám nắng, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười tươi. Bất chấp cái nắng hơn 40 độ ở các điểm đảo, Phan Thanh Sang vẫn nhiệt huyết chuyên chở, bốc vác, rồi tận tụy, tỉ mỉ lật từng thùng rêu, bịch đất, gói hạt rau để tư vấn cách gieo trồng cho các cán bộ, chiến sỹ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Phan Thanh Sang (áo cờ đỏ sao vàng đứng) miệt mài chăm sóc những chậu lan mang từ đất liền để gửi tặng cán bộ, chiến sỹ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Với mong muốn được cống hiến, mang một phần sức lực xây dựng Trường Sa xanh, nhiều năm qua anh đã miệt mài nghĩ phương pháp trồng rau tiết kiệm nước cho các điểm đảo.
Nhớ lại lần đầu tiên đến với Trường Sa, đó là năm 2017, Sang đã được chọn đi Trường Sa nhằm đưa mô hình trồng rau tiết kiệm nước ra các đảo. Sau lần đầu tiên đến với Trường Sa, quay về đất liền chàng trai trẻ tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ quà, hiện vật để xây dựng Trường Sa.
Cuối năm 2017 thấy cán bộ, chiến sỹ thay quân từ đảo về đất liền cho xem những tấm hình về điểm đảo sau trận bão Sang thấy quá đau xót. Những tán bàng bị đánh bạt gốc. Màu xanh của hoa đại, của những vườn rau đã không còn. Ngay lúc ấy Sang đã nghĩ sẽ phải nỗ lực kêu gọi mọi người hỗ trợ cho các điểm đảo ở Trường Sa.
Từ ý nghĩ ấy, cuối năm 2017, Sang đã vận động các doanh nghiệp cùng với UBND thành phố Đà Lạt hỗ trợ 40 tấn rau xanh cho các chiến sỹ ngoài đảo ăn hàng ngày. Ngoài ra anh cũng kêu gọi được hơn 100 triệu đồng tiền mặt để mua các vật tư như giống rau, đất, lưới, phân vi sinh... với mong muốn sẽ gây dựng lại những vườn rau xanh trên các đảo.
Hiện giờ, mô hình trồng rau tiết kiệm nước được Sang phổ biến, cho nhân rộng tại các đảo. Loại rêu rừng mà Sang áp dụng trồng rau ở các đảo có khả năng giữ nước nhiều gấp 10 lần so với loại đất thông thường.
Trong những hành trình sau này, anh lại vận động nhiều đơn vị hỗ trợ vật tư và kỹ thuật cho 9 điểm đảo và nhà giàn về quy trình trồng rau bằng rêu, kết hợp phân vi sinh, chất hữu cơ trồng rau sạch. Ngoài ra, Phan Thanh Sang còn kết nối với 33 điểm đóng quân ở nhiều điểm đảo để trồng rau.
Sang cũng là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam được vinh danh năm 2015. Sang sinh năm 1984, hiện là Phó Chủ tịch Hội hiên hiệp Thanh niên tỉnh Lâm Đồng, đồng thời cũng là chủ một trang trại hoa lan lớn tại Đà Lạt. |
Người thân của biển đảo
Dù không được sinh ra ở biển đảo, nhưng tình yêu của anh dành cho biển đảo lại rất lớn. Sau lần công tác đầu tiên năm 2017 Phan Thanh Sang đã trở thành người thân của cán bộ, chiến sỹ trên nhiều điểm đảo. Với mong muốn góp tay xây dựng một Trường Sa xanh Phan Thanh Sang đã quay lại Trường Sa lần 2 vào cuối tháng 4 vừa qua.
Lần này, với tư cách là khách mời của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, Sang còn thực hiện gợi ý của Quân chủng để khảo sát, tư vấn, đề xuất giải pháp để cải thiện màu xanh trên đảo.
“Qua chuyến đi này, mình cũng hỗ trợ một số vật tư phù hợp như đất, giống rau, giống hoa để tặng các đảo. Mình cũng đang nghiên cứu để đưa vào sử dụng những mẫu nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa có thể vừa che mát, vừa che chắn côn trùng, sóng gió... Mình cũng hy vọng tới đây sẽ viết một cuốn sách về quy trình trồng rau cho các điểm đảo, tuỳ thuộc vào đặc điểm địa lý, từ đó để cán bộ chiến sỹ mới ra thay quân cũng có thể áp dụng” – Phan Thanh Sang nói.
Bất chấp cái nắng 40 độ khiến mồ hôi đổ ra như mưa hay những cơn sóng giữ khiến đoàn công tác mệt nhoài, Phan Thanh Sang vẫn miệt mài chỉ dạy cách trồng rau, chăm hoa cho các chiến sỹ ở các điểm đảo. Nhặt từng cọng cỏ, thăm từng khay rau, Sang say xưa kể về quy trình trồng rau, làm nhà giàn, cách bắt côn trùng. Lúc nào, Phan Thanh Sang cũng là người vào các điểm đảo đầu tiên và ra sau cùng.
“Trồng rau muống cạn khác với rau muống nước. Với những đảo nổi, việc trồng rau sẽ thuận lợi và phù hợp hơn và nên xây tường bao quanh. Riêng với nhà kính thì cần làm di động, mùa mưa thì che lại, mùa nóng thì cần mở ra để thoáng mát. Quan trọng nhất cần xây dựng một quy trình trồng rau lưu lại thành sách để các chiến sỹ mới ra đảo cứ thế áp dụng tránh việc đổi quân khiến cho nhiều người ra đảo bỡ ngỡ không có kinh nghiệm, không gieo trồng được” –Sang phân tích.
Chia tay Sang, tôi vẫn nhớ lời nhắn nhủ của anh với những bạn trẻ: “Qua những chuyến đi này, hy vọng các bạn trẻ như mình sẽ có thêm hiểu biết, tình yêu cũng như trách nhiệm với chủ quyền biển đảo tổ quốc, thậm chí biết cần làm gì thiết thực để góp phần xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương”.