Dân Việt

TS Trần Du Lịch: Để cải cách tiền lương thành công cần làm 3 việc

Lương Kết (thực hiện) 08/05/2018 16:13 GMT+7
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để cải cách tiền lương cần phải thực hiện đồng bộ 3 việc, nếu không việc cải cách tiền lương sẽ không thành công.

img

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng (ảnh IT).

Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII, đề án cải cách tiền lương được Trung ương bàn thảo, trước đó chúng ta đã có nhiều lần cải cách tiền lương nhưng dường như những hạn chế, bất cập chưa được khắc phục, ông nghĩ sao?

- Tôi cho rằng có 3 điểm gắn với cải cách tiền lương cần phải thực hiện. Thứ nhất là cải cách bộ máy, chế độ công vụ của Đảng và Nhà nước. Nếu như chế độ công vụ kiểu lồng ghép, chồng lấn như hiện nay hay nói nôm na một việc nhiều cấp làm, với bộ máy cồng kềnh như hiện nay thì không có quỹ tiền lương nào chịu được. Nếu bộ máy chính quyền 4 cấp, trùng trùng, lớp lớp như hiện nay thì rõ ràng thì rõ ràng không có cơ sở nào để cải cách tiền lương, bởi chi thường xuyên đã hơn 60%. Có thể nói cải cách, sắp xếp lại bộ máy là tiền đề quan trọng để tiến tới cải cách tiền lương.

Thứ hai, về thang bảng lương, cần phải hiểu đằng sau tiền lương là quan hệ xã hội, có nghĩa là phải đặt giá trị lao động trên thang giá trị xã hội. Ví dụ chúng ta nói giáo dục, y tế thì phải xem giá trị lao động của người làm trong ngành này ở vị trị nào trong thang giá trị xã hội.

Thứ ba, tiền lương phải là thu nhập chính, có thể sống được theo mức trung bình xã hội, không thể đẻ ra chế độ này, chế độ kia.

Tôi cho rằng đó là ba nguyên tắc để đảm bảo thành công khi cải cách tiền lương, còn như không làm đồng bộ sẽ không thành công. Còn thời điểm nào tiến hành cải cách tiền lương cần sự chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết.

Ông thấy lần trong những lần cải cách tiền lương vừa qua chúng ta có thực hiện trên nguyên tắc như ông đã nêu không?

- Nghị định về chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức năm 2004 tôi cho rằng không đặt trên thang giá trị để tạo động lực cho xã hội. Lúc đó tôi đã có ý kiến rằng không thể nào không cải cách bộ máy, chế độ công vụ, thì không có cơ sở cải cách tiền lương. Với bộ máy cồng kềnh thì không quỹ lương nào chịu được.

Hiện nay chúng ta cũng đang tiến hành tinh giản biên chế, tuy nhiên có ý kiến cho rằng đó chỉ là cách tinh giản cơ học, chưa đi vào thực chất, liệu việc tinh giản như vậy có đảm bảo cho thực hiện cải cách chế độ tiền lương?

-Cách tinh giản biên chế hiện nay tôi thấy không phù hợp, đặt ra mục tiêu cơ quan này tinh giản 10%, cơ quan kia giảm 10% đó là kiểu tinh giản cơ học. Kiểu này sẽ dẫn tới tình trạng chỗ cần thì không có người làm, có chỗ người vẫn đông nhưng việc ít.

Ví dụ nói về lực lượng thanh tra để thấy sự cồng kềnh, trong bộ máy hành chính có thanh tra trật tự xây dựng, thanh tra giao thông, thanh tra y tế, thanh tra môi trường, với bộ máy sinh ra nhiều công cụ như vậy quỹ lương làm sao chịu được. Như các nước, ở đô thị lực lượng cảnh sát đô thị phải xử lý nhiều việc, ví dụ ở nơi này xây dựng trái phép, cảnh sát đô thị đến xử lý, ở nơi kia có việc gây ô nhiễm môi trường, cảnh sát đôi thị đến xử lý, rồi họ xử lý hàng gian, hàng giả…Nói như vậy để thấy đáng lý chúng ta phải xây lực lượng thanh tra, kiểm tra giống như kiểu một ông thiên lôi, và chỉ có một ông thiên lôi, còn như ngành nào, cấp nào cũng có thiên lôi thì bộ máy đương nhiên sẽ cồng kềnh.

Điều nữa là trong công vụ thì cấp dưới đã làm thì cấp trên chỉ kiểm tra, thanh tra thôi chứ không phải làm trực tiếp nữa. Nếu một Bộ cử thanh tra giống như Thanh tra của Bộ Tài nguyên Môi trường xuống tận một nhà máy ở một tỉnh như Long An để kiểm tra môi trường thì thử hỏi Sở Tài nguyên Môi trường, rồi Phòng Tài nguyên Môi trường ở địa phương làm gì. Đáng lý khi Bộ đi thanh tra ở địa phương là thanh tra công vụ, nghĩa là thanh tra những cơ quan chức năng ở địa phương tại sao không làm việc này hoặc làm đã đúng chưa, hết trách nhiệm chưa.

Nói tới cải cách chế độ công vụ điều quan trọng nhất là thấy được những bất cập như ví dụ được phân tích ở trên. 

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII có Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, còn Hội nghị lần này Trung ương mới bàn thảo về vấn đề cải cách tiền lương, đây là bước đi tuần tự để đảm bảo sự thành công, ông nghĩ sao

Trung ương đã đặt mục tiêu và quyết định các vấn đề một cách đồng bộ, bài bản như vậy tôi cho rằng vấn đề cải cách tiền lương lần này sẽ đạt được mục tiêu.

Xin cảm ơn ông (!)

"Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Quy định mức lương bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan quyết định, bằng nhiều văn bản quy định khác nhau, làm phát sinh nhiều bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ; chưa động viên được người có chuyên môn, nghiệp vụ, năng suất lao động cao.

Tiền lương cơ bản của khu vực công thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống và chưa phải là nguồn thu nhập chính của nhiều người hưởng lương. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đối với khu vực công về cơ bản vẫn do ngân sách nhà nước bảo đảm và chủ yếu từ ngân sách Trung ương. Việc thực hiện xã hội hoá và điều chỉnh giá phí dịch vụ công theo cơ chế thị trường trong nhiều lĩnh vực còn chậm. Nhiều địa phương còn dư nguồn cải cách tiền lương nhưng không được chi lương cao hơn". 

(Trích phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)