Dân Việt

Xử lý chất thải trong chăn nuôi: Cách làm của Củ Chi

Nguyên Vỹ 09/05/2018 19:34 GMT+7
Là huyện có tổng đàn gia súc lớn ở TP.HCM, vấn đề xử lý xả thải trong chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường là nhiệm vụ quan trọng của Củ Chi trong giai đoạn nâng chất nông thôn mới (NTM).

Xã Tân Thạnh Đông có tỷ lệ dân số đông và diện tích tự nhiên lớn. Đa số người dân ở đây sống bằng nghề chăn nuôi bò sữa dẫn đến việc thu gom và xử lý chất thải, nước thải còn diễn biến phức tạp.

Để đạt tiêu chí 17 theo Bộ tiêu chí về NTM theo đặc thù vùng nông thôn TP.HCM thì chất thải, nước thải phải được thu gom và xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường từ 80% trở lên.

img

Việc thu gom và xử lý chất thải, nước thải từ chăn nuôi bò sữa còn diễn biến phức tạp.  Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Công Duyên - Chủ tịch xã Tân Thạnh Đông cho biết UBND xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức vận động các hộ chăn nuôi không xả thải ra đường, không phơi phân bò gây ô nhiễm, không để phân trước cửa nhà, ngoài lề đường. Đồng thời tiếp tục vận động các hộ gia đình chăn nuôi gia súc xây dựng hầm lắng lọc hoặc hầm biogas để xử lý nước thải trong chăn nuôi nhằm góp phần bảo vệ môi trường chung.

Trên địa bàn xã Tân Thạnh Đông hiện có 432 hộ chăn nuôi heo, 1.297 hộ chăn nuôi bò. Trong đó chỉ mới có 263 hộ xây dựng hầm biogas, 20 hộ xây dựng hầm bê tông, 100 hộ xây dựng hầm lắng lọc, các hộ còn lại tận dụng nước thải để tưới cỏ trong chăn nuôi. Đối với chất thải rắn phát sinh, nhiều hộ vẫn tận dụng để làm phân bón vườn hoặc thu gom đóng bao, lưu chứa lộ thiên chờ vận chuyển đi nơi khác để bán tận thu. 

“UBND xã phải thường xuyên kiểm tra, vận động tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện biện pháp xử lý nước thải chăn nuôi đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường” - ông Duyên nói.

Ông Lê Đình Đức - Phó Trưởng Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Củ Chi đánh giá việc xây dựng NTM trên địa bàn huyện cũng mới chỉ đạt được một số kết quả bước đầu. Hiện nay, có 10/20 xã tự đánh giá đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường, tuy nhiên một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng xả rác ven đường; hình thành các bãi rác tự phát; nước thải xả tràn lan đã ảnh hưởng đến môi trường chung và tác động nhất định đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.